Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn và vai trò của công quyền

Lê Học Lãnh Vân

(TBKTSG) - Mấy ngày nay nhiều người chỉ trích ca sĩ Mỹ Linh vì chị phát biểu rằng muốn rẻ thì “đừng đòi hỏi thực phẩm sạch”. Với tôi, ca sĩ Mỹ Linh chỉ nói lên một thực tế, rằng giá thực phẩm sạch ở Việt Nam rất mắc, và rằng người tiêu dùng không biết thực phẩm nào là sạch vì không ai mang lại niềm tin cho họ.

Bài viết này xin bàn về câu hỏi: Tại sao thực phẩm sạch khó tìm và bị/được bán giá cao như vậy? Nước ta có thể sản xuất thực phẩm sạch với chi phí thấp hơn được không?

Xin được định nghĩa: Thực phẩm sạch là thực phẩm an toàn, thực phẩm “bẩn” thì không an toàn.

Bằng cái nhìn của một người mà ngành nghề hoạt động có liên quan tới đề tài này, tôi xin thưa: Nước ta có thể sản xuất thực phẩm sạch, đúng các yêu cầu của xã hội về an toàn thực phẩm với chi phí không cao như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có đủ điều kiện làm việc đó. Nói thực phẩm sạch thì chung chung quá, tôi xin nói về nông sản sạch để từ đó có cái nhìn toàn thể hơn.

Có rất nhiều điều phải làm để thực phẩm chúng ta ít bẩn hay sạch hơn.Trước hết, tôi xin mời các anh chị cùng nhau ôn lại và thảo luận các điều dưới đây:

Điều thứ nhất: Xin nhớ rằng dân ta chỉ mới có nông sản bẩn chừng hơn chục năm lại đây thôi. Nông sản sạch xưa nay từng được các nhà nông nhỏ lẻ cung cấp. Rất tin cậy về mặt an toàn thực phẩm. Tôi chưa có con số thống kê, nhưng tin rằng hiện đang có rất nhiều hộ cá thể, nông trại nhỏ đang tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm cho nông dân.

Điều thứ hai: Hiện nay, nhiều nông dân mong muốn sản xuất nông sản sạch và kinh doanh bền vững trên nông sản sạch đó. Thực ra ước muốn sản xuất nông sản sạch đã từng được nhiều nhà nông có tinh thần kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp mong muốn từ cách đây vài chục năm. Lúc đó nông sản Trung Quốc bắt đầu có tai tiếng, và những nhà sản xuất và kinh doanh nông sản Việt Nam đã nhìn thấy trước thời cơ và từng mơ ước một ngày kia nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội lớn chiếm một phần thị phần thế giới - thị phần của Trung Quốc. Mười mấy năm trôi qua, tiếc thay, tới nay thì Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới không thua Trung Quốc về tính thiếu an toàn của thực phẩm.

Điều thứ 3: Muốn sản xuất nông sản sạch thì phân bón, nông dược phải sạch, môi trường phải sạch. Hiện nay, muốn kiếm nông dược sạch thực là quá khó. Giống như ca sĩ Mỹ Linh, các nhà nông tự hỏi: “Ai là người mang lại niềm tin cho chúng tôi?”. Họ không tin các chứng nhận, họ không tin kết luận của các đoàn kiểm tra mỗi năm đi mấy lượt và thu bao nhiêu mẫu để kiểm nghiệm, họ bơ vơ giữa rất nhiều nhãn hiệu, mặt hàng. Hàng rẻ cũng có thể giả, dỏm mà hàng mắc cũng có thể giả, dỏm. Họ tặc lưỡi, thôi thì dùng thứ rẻ cho xong. Dùng hàng giả và dỏm để sản xuất thì nông sản của họ không thể nào sạch được!

Điều thứ 4: Các nhà sản xuất nông dược cũng có người muốn sản xuất hàng tốt, đúng công bố trên nhãn. Khổ thay, như nói trên, hàng của họ không thể cạnh tranh với hàng giả, hàng dỏm tràn lan. Các nhà sản xuất nông sản cũng muốn sản xuất hàng tốt, sạch, khổ thay hàng của họ không thể cạnh tranh với nông sản bẩn cũng được chứng nhận tốt và bán tràn lan. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc ư? Đâu khó để người sản xuất bẩn có đủ truy xuất tốt như người sản xuất sạch! Yêu cầu chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ư? Người sản xuất sạch và người sản xuất bẩn cùng có như nhau với chi phí như nhau dù cơ sở sản xuất hai bên được đầu tư khác hẳn nhau!

Nhà sản xuất nông sản sạch thực sự có chi phí đầu tư cơ sở, nguyên liệu, lương… cao hơn nhà sản xuất bẩn. Nếu sản phẩm sạch không được chứng nhận khác biệt thì chắc chắn không thể cạnh tranh được với sản phẩm bẩn bán rẻ hơn một chút. Ngoài ra, do chi phí thấp hơn nhiều mà bán ra với giá gần tương đương, nhà sản xuất bẩn có lợi nhuận rất cao, họ dùng một phần dư đó để “bôi trơn”. Do đó họ được dễ dãi làm ăn hơn nhiều so với nhà sản xuất sạch. Sau một thời gian, nông sản bẩn giết chết nông sản sạch. Và cũng giết chết hy vọng của Việt Nam chiếm thị phần mà Trung Quốc đánh mất, giết chết nền sản xuất thực phẩm lành mạnh trong nước.

Qua bốn điều trên, chúng ta thấy rằng để sản xuất thực phẩm sạch, cũng như các ngành sản xuất khác, nhà sản xuất cần: (1) Điều kiện sản xuất được chứng nhận đủ tiêu chuẩn; (2) Nguyên liệu sản xuất sạch; (3) Sản phẩm được chứng nhận sạch để có sự khác biệt với sản phẩm bẩn, từ đó mới có thể được bán ra ở mức giá phù hợp với chi phí.

Cả ba điều kiện nói trên, rất cần thiết cho nền sản xuất thực phẩm an toàn, đều không được xã hội nước ta đáp ứng. Ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ, nhìn chung thì: (1) Ai cũng có thể có giấy chứng nhận đủ điều kiện như nhau bất kể cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều hay ít; (2) Không biết nguyên liệu sản xuất nào sạch, nguyên liệu nào không; (3) Sản phẩm làm ra không có sự chứng nhận khác biệt nhau về mức độ sạch hay không sạch. Sự chứng nhận nói ở đây là sự  chứng nhận được khách hàng tin.

Để đáp ứng ba điều kiện nói trên, bộ máy công quyền có vai trò quyết định. Cần biết bao nhiêu nhân viên công quyền có công tâm trong việc cấp giấy chứng nhận, trong việc kiểm tra, và trong những việc khác… Đây chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền sản xuất nông sản an toàn, thực phẩm an toàn. Và đây là lý do tôi nói bên trên: nước ta chưa có đủ điều kiện cho nền sản xuất thực phẩm an toàn.

Điều thứ 5: Có rất nhiều điều tiếng về các đoàn kiểm tra đi kiểm tra đều đặn những cơ sở, công ty kinh doanh. Tuy nhiên, theo những nhà kinh doanh nghiêm túc, có không ít những đoàn không vòi vĩnh. Dù vậy công ty vẫn phải tiến hành các thủ thục “bên ngoài chuyên môn”, và các viên chức vẫn nhận, vì sự việc đã trở thành thói quen, thành tập tục (normal practices). Rất nhiều viên chức tự trọng không đồng ý với hiện tượng này, nhưng họ không thể làm gì khác.

Đây chính là cơ sở khiến tôi hy vọng rằng chúng ta còn sửa chữa được. Việt Nam không thiếu nhà đầu tư đúng đắn, không thiếu nhà sản xuất có thực lực và mong muốn cạnh tranh bằng năng lực chân chính tạo ra sản phẩm sạch. Việt Nam có đủ vốn đầu tư sản xuất sạch. Việt Nam, sau một thời gian suy thoái đạo đức công chức, vẫn còn những công chức không muốn dựa vào vị thế mà trục lợi làm hại nền kinh tế cộng đồng… Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của nhà cầm quyền nói chung và của Chính phủ nói riêng là cải tổ bộ máy công quyền khiến nhân viên công quyền bỏ nhiều thời gian và tâm trí vào việc phục vụ xã hội đúng với trách nhiệm chuyên môn, những người này được tưởng thưởng xứng đáng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bị trừng phạt khi nhũng nhiễu hay có thành quả kém…

Lúc đó môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, vai trò chính danh của nhà sản xuất được tôn trọng thực chất, họ được xã hội hỗ trợ để sản xuất, kinh doanh, rất nhiều chi phí giấu mặt nhà sản xuất đang chịu hiện nay sẽ giảm hay bị xóa bỏ. Quan trọng hơn nữa là thị trường lưu thông và phân phối hàng hóa sẽ thông thoáng, công bằng, hợp lý, đáng tin cậy (nghĩa là giá nào chất lượng đó)… Lúc đó, dân chúng sẽ có thực phẩm sạch với mức giá hợp lý! Khi niềm tin của khách hàng đã có, cộng hưởng với tầng lớp trung lưu càng đông, nhu cầu về thực phẩm sạch sẽ tăng cao, giá thành sản phẩm càng rẻ hơn và giá bán phù hợp với đa số dân chúng.