VNN - Không rõ trong văn bản xin Tổng cục Thuế cho ý kiến về quy hoạch nhân sự cục phó, ông cục trưởng có dám "huỵch toẹt" chuyện nhạy cảm người đó là vợ ông ra không?
Khi chồng “quy hoạch” vợ
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao câu chuyện quy hoạch cán bộ của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Tổng cục Thuế đồng thuận.
Sự bức xúc xuất phát từ việc ông Cục trưởng Cục Thuế đưa vợ, hiện là Trưởng phòng Thanh tra cục này vào diện quy hoạch để sắp tới bổ nhiệm làm cục phó. Dư luận bất bình còn ở chỗ, chính ở cục này hiện đã có vài vị trí lãnh đạo khác nữa (cấp chi cục, phòng) cũng là người nhà của ông cục trưởng, hoặc ruột thịt với vợ ông.
Theo lý lẽ mà ông cục trưởng nọ đưa ra, xem như ông đã làm "đúng quy trình". Thứ nhất, Cục ông đã có văn bản xin ý kiến ngành dọc (Tổng cục Thuế ) và đã được đồng thuận; thứ hai, vẫn còn qua một cửa ải nữa ký bổ nhiệm, là lãnh đạo tỉnh, đâu phải Cục ông xin mà được ngay (!); thứ ba, ông cục trưởng đã nghiên cứu kỹ rồi viện dẫn văn bản của trên quy định, đối chiếu vào trường hợp như vợ ông thì đâu có vi phạm?
Các văn bản pháp quy hiện hành này đều nêu cụ thể: Luật Cán bộ, công chức (và Luật viên chức) không cấm đoán thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” (khoản 3 điều 37 - dẫn theo nguồn Báo Tuổi trẻ, 3/9).
Không rõ trong văn bản xin Tổng cục Thuế cho ý kiến về quy hoạch nhân sự mà ông cục trưởng ký lời lẽ thế nào, liệu ông có dám "huỵch toẹt" chuyện nhạy cảm người đó là vợ ông ra không? Cứ cho rằng ông cục trưởng “thật thà” khai đủ, thì Tổng cục Thuế cũng có thể sẽ viện dẫn mấy quy định vừa nêu để rồi chấp thuận cho Cục tiến hành thủ tục trình địa phương bổ nhiệm cho vợ ông? Cũng có thể, văn bản hiệp y sẽ không nêu chuyện tế nhị này, khi có người chất vấn, họ sẽ lại đưa “quy trình” ra làm lá chắn hoặc đưa bài “cổ điển” là không biết có chuyện này?
Tóm lại, vẫn có rất nhiều cách" lùi" khi "có vấn đề" nếu như bị dư luận soi.
Theo tìm hiểu của người viết, một số đơn vị, địa phương từng gặp phải những chuyện tương tự. Song, thường là cơ quan tham mưu về tổ chức của bộ hoặc địa phương sẽ báo cáo công tác quy hoạch dài hạn cho lãnh đạo nên xử lý ra sao. Cách làm thường là chuyển công tác người chồng (hoặc vợ, hoặc con) sang một đơn vị khác, sau đó tổ chức sẽ bàn tiếp.
Bài học của tiền nhân
Trong lịch sử, ngay từ thế kỷ 16, vua Lê Thánh Tông đã ban bố những luật lệ khá nghiêm khi địa phương bổ nhiệm chức vụ, dù chỉ làm chức mọn như xã trưởng và tương đương. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà vua đã quy định nghiêm tới mức dù họ chỉ là anh em cọc chèo (hai người đàn ông lấy 2 chị em ruột) cũng không được bổ nhiệm chức tương tự còn lại trong chính xã đó cho người nhà xã trưởng trước đó đã bổ.
Được biết, Luật Hồi tỵ thời Nguyễn cũng quy định khá chặt việc bổ nhiệm các chức quan trong triều. Triều đình không bổ nhiệm ai về quê nhà làm quan, dù là chức sắc nhỏ như tri huyện, cho đến quan đầu tỉnh. Các chức sắc có liên quan đến công việc điều tra, xét xử cũng không được phép.
Các cụ xưa kia không chấp nhận điều này nhằm ngăn chặn điều mà ngày nay thường được gọi là "Nhóm lợi ích" thao túng, lộng hành và ngăn chặn việc điều tra, xét xử có thể sẽ thiếu khách quan, che giấu tội lỗi cho người thân với nhà quan...
Hiện nay, tuy đã có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm nói trên, nhưng xem ra cũng chưa thấy có văn bản, nghị quyết hướng dẫn nào rõ ràng về chủ trương rằng có được bổ nhiệm (và chỉ bổ nhiệm đến cấp nào) người lãnh đạo ngay trên quê của họ?
Theo tìm hiểu của người viết, đến gần đây, vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo được luân chuyển về quê nhà để làm quy hoạch dài hơi, với lý do được đưa ra là nếu tổ chức đưa về địa phương như vậy thì dễ nhận được sự đồng thuận hơn, đỡ mất đoàn kết hơn. Điều này cũng có cơ sở nhất định, nhưng nếu nhìn sâu xa thì rõ ràng đó là tư tưởng cục bộ, địa phương.
Một vài năm gần đây trong ngành Công an, việc hiệp thương giữa bộ Công an với các địa phương đã được tiến hành để luân chuyển các giám đốc Công an tỉnh, thành phố sang địa phương không phải quê họ. Nên chăng, với các ngành luật pháp khác, các cấp lãnh đạo đứng đầu tỉnh, thành phố… cũng cần tính toán, xem xét cách làm này. Và nên chăng, các cơ quan tham mưu về tổ chức nhân sự của Đảng và Nhà nước cũng cần sớm đưa vào các quy định bổ nhiệm cán bộ rõ ràng hơn nội dung này.