Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Ai có thẩm quyền loại ông Trần Đăng Tuấn khỏi bầu cử ĐBQH?

Hoàng Đan

SOHA - "Theo tôi biết, ông Trần Đăng Tuấn đang là Tổng Giám đốc 1 công ty hoạt động về lĩnh vực truyền hình thì chắc chắn có đủ tiêu chuẩn, nhưng giờ bị loại thì tôi thấy rất đáng tiếc".

"Sẽ căn cứ vào 5 tiêu chuẩn của ĐBQH để quyết định"

Sáng nay 15/4, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 do Ủy ban MTTQ Hà Nội tổ chức, ông Trần Đăng Tuấn cùng 45 người tự ứng cử và nhiều người được giới thiệu ứng cử khác đã bị loại khỏi danh sách bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, ông không tham dự Hội nghị nên không nắm được thông tin xem họ đã căn cứ vào điều kiện nào để loại ông Tuấn ra khỏi danh sách.

"Theo tôi biết, ông Trần Đăng Tuấn đang là Tổng Giám đốc một công ty hoạt động về lĩnh vực truyền hình thì chắc chắn có đủ tiêu chuẩn nhưng giờ bị loại thì tôi thấy rất đáng tiếc", ông Thuận bày tỏ.

Theo ông Thuận, Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND có quy định, trước khi bầu cử sẽ tiến hành 3 lần Hiệp thương đối với các ứng viên ứng cử, việc giới thiệu các ứng cử viên ra ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp được giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN các cấp thực hiện.

"Chính tại Hội nghị Hiệp thương này sẽ quyết định ai ra ứng cử, ai bị loại và ông Trần Đăng Tuấn bị loại như vậy, theo quy trình thủ tục là đúng", ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức.

Thành phần, cơ cấu là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai do Ủy ban ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.

Hội nghị này sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH đã được UB TVQH điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH.

Sau đó, danh sách trên được gửi lấy ý kiến cử tri nơi làm việc, cư trú.

Tiếp đó, Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử.

Hội nghị này căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH đã được Ủy ban thường vụ QH điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH.

"Việc lấy ý kiến cử tri nơi làm việc, cư trú trong luật không có quy định là bỏ phiếu như thế nào, được hay không được. Có người đạt 100% và có người không được, có người chỉ đạt 1- 2 %... nhưng không quy định có bị loại hay không.

Trong luật quy định, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, theo tôi, sẽ căn cứ vào 5 tiêu chuẩn của ĐBQH để quyết định xem loại hay không loại ai đó", ông Thuận nói.

Ông cũng cung cấp thêm, 5 tiêu chuẩn của ĐBQH được xem xét với các ứng cử viên tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 bao gồm:

Trung thành với Hiến pháp, pháp luật; được sự tín nhiệm rộng rãi của cử tri; có khả năng tiếp xúc gần gũi; được cơ quan thống nhất giới thiệu và có điều kiện hoạt động Quốc hội.

Ứng cử viên bị loại vẫn được khiếu nại?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết thêm, theo quy định của luật thì tại các Hội nghị Hiệp thương này chỉ có đại diện tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử được mời tham dự, còn người tự ứng cử thì không có quy định phải có mặt.

Trước đó, Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội Lê Thị Kim Oanh khi lý giải về việc ông Trần Đăng Tuấn và các ứng viên được giới thiệu cũng như tự ứng cử bị loại đã cho rằng:

"Ở đây, với số lượng, cơ cấu, thành phần được phân bổ chỉ có hạn nên chúng ta nói với nhau nôm na là "so bó đũa, chọn cột cờ" chứ không phải những người đó không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức, uy tín, trách nhiệm".

Ông Thuận cho hay, cơ cấu, thành phần đó không có quy định cụ thể trong luật.

"Các cơ cấu, thành phần đó không phải tiêu chí để loại người ta ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH mà theo tôi, ở đây căn cứ vào 5 tiêu chuẩn của ĐBQH mới là quyết định loại hay không loại", ông nhận định.

Vị này cũng nêu rõ, trong trường hợp bị loại, ứng cử viên Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp rõ thông tin, lý do vì sao bị loại. Đồng thời, nếu cho rằng, các lý do đó không đúng thì ứng viên bị loại đó có quyền khiếu nại.