Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Chủ tịch Chung, xin đừng cấm xe máy không “hộ khẩu”!

Hoàng Linh

(Dân Việt) Cứ nhìn người ngoại tỉnh có mặt tại Thủ đô đông như thế nào, thì việc tất cả biển số xe đều mang biển kiểm soát Hà Nội là không thể, thưa Chủ tịch Nguyễn Đức Chung!

Người bạn nói con anh học tại Hà Nội, giờ nghe Hà Nội sắp cấm xe máy ngoại tỉnh anh lo quá. Trường xa, xe bus không tiện, mang xe ở nhà lên thì biển ngoại tỉnh. Bây giờ phải nghĩ đến chuyện mua thêm chiếc xe máy cho cháu nhờ người quen ở Hà Nội đứng tên giùm để có bảng kiểm soát Hà Nội, rồi anh ấy chắc cũng phải mua thêm một xe như vậy nữa vì phải đi Hà Nội mỗi tuần hai lần để lấy hàng tạp hóa về bán.

Đây là tâm trạng rất thật của số đông trước tin Hà Nội sẽ từng bước tiến tới cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội. Chưa biết có giảm mật độ xe máy được không khi mà chưa thực hiện người dân đã đối phó bằng cách mua thêm mỗi gia đình vài xe.

Rồi, Hà Nội cấm được thì các thành phố khác trên toàn quốc cũng cấm được. Vậy cuối cùng là sao?  Xe mang biển số thành phố nào thì chỉ được đi trong thành phố đó. Cuối cùng là “ngăn sông cấm chợ". Ví như thành phố Đà Nẵng cũng cấm vậy thì xe vào Nam ra Bắc phải lên đường Trường Sơn hoặc ra Biển Đông mà đi? Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh…cũng có thể cấm xe các tỉnh khác? Đây sẽ là một chủ trương mang tính chất vùng miền, trong khi phương tiện giao thông là quyền tự do của mỗi người, không ai có quyền phân biệt.

Có thể thấy ngay biện pháp cấm đoán này mang tính nôn nóng của nhà quản trị vì nó đẩy trách nhiệm của nhà quản trị sang cho người dân, thay vì phải đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân như một quyền cơ bản mà Hiến pháp quy định. Kẹt xe và cách giải quyết đã đẩy nhà quản trị đô thị và người dân vào mớ bùng nhùng mà thiệt hại luôn về phía người dân.

 Nhà quản trị đã đẩy các biện pháp hạn chế bằng kinh tế lên đến mức cao nhất nếu nói về thuế đánh trên xe ô tô và xe máy, không thể nâng cao hơn nữa. Đó là thuế trực tiếp chưa kể các loại thuế, phí phi trực tiếp thông qua giá nhiên liệu, phí môi trường, phí cầu đường…Kết quả là người Việt phải bỏ ra số tiền lớn để mua xe kém an toàn vì các thông số kỹ thuật không tương xứng với số tiền bỏ ra.Tình trạng cũng tương tự với xe máy nhưng với mức độ thuế, phí nhẹ hơn.

Người dân phản ứng với chủ trương Hà Nội cấm xe máy ngoại tỉnh nhưng cũng ý thức rằng việc hạn chế xe máy là cần thiết và phát triển vận tải hành khách công cộng là chủ trương cần làm, nhưng vấn đề là làm như thế nào? Ai cũng ý thức được bệnh không phải chỉ từ miệng mà vào. Bệnh, gánh nặng tài chính và cái chết, đang đến nhẹ và nhanh hơn, với những cư dân đô thị chúng ta. Qua những cái xe gắn máy.

Tôi đi chơi cả ngày ở Phan Thiết, tối về nhà, cái áo bỏ ra vẫn còn thơm thơm, không bốc lên cái mùi nồng sặc như khi ở TP.HCM. Khẩu trang có đeo cũng chỉ để tránh nắng, chứ không khí miền biển đâu cần lọc bằng than hoạt tính.

Chỉ cần ra khỏi TP.HCM ở bất cứ hướng nào, khi dòng người đã vợi đi chỉ còn vài phần là có thể cảm nhận được ngay sự thênh thang của những hàng cây lá không bị bám đầy bụi ở bên đường.

Tôi muốn nói rằng, kẹt xe không phải do xe đông đường hẹp. Mà phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường buôn bán hàng quán. Tôi cá trong tất cả các bản báo cáo đều có mấy câu như vậy, tại sao các ông không đi giải quyết phần lớn đi, tình trạng kẹt xe sẽ giảm. 

Ai cũng muốn giảm xe gắn máy,  nhưng quan trọng là các chủ trương hạn chế xe máy như đã từng công bố đều phi thực tế, vi phạm luật và đôi khi ngô nghê nên bị phản ứng. Hết ngực lép, cận thị không được đi xe máy đến xe chính chủ giờ đến xe máy phải có “hộ khẩu” thường trú Hà Nội.

Các chuyên gia đã nhiều lần đóng góp việc hạn chế xe đến mức cực đoan, mở rộng đường không thể giải quyết được vấn nạn kẹt xe ở đô thị khi mà xu hướng đô thị nén đang làm tăng mật độ dân cư và vãng lai ở đô thị, đây mới là nguyên nhân chính gây kẹt xe bên cạnh việc tăng dân số và tăng phương tiện giao thông.

Trong lúc có vẻ như chưa có biện pháp khả thi nào để giải quyết vấn nạn kẹt xe thì các nhà quản trị đô thị sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp mang tính tức thời mà người dân luôn là đối tượng chịu thiệt.

Cứ nhìn người ngoại tỉnh có mặt tại Thủ đô đông như thế nào, thì việc tất cả biển số xe đều mang biển kiểm soát Hà Nội là không thể, thưa chủ tịch Chung!
***

Theo dự thảo "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố", với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ thực hiện 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, và các ngày lễ, tết.

Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7g đến 19g hằng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ thực hiện cấm xe máy một số địa điểm phía trong đường vành đai 3.