Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Dân không chờ để được lời xin lỗi

Nguyễn Mỹ Linh

(Dân Việt) Xin lỗi là việc phải xuất hiện sau khi đã phạm lỗi, điều này chẳng cần phải bàn.

Ngày 26.7 báo đưa tin “Đình chỉ 3 cán bộ mắng dân tự sửa ổ gà trên đường quốc lộ”.

Ngày 8.7 báo chí đưa tin “Giám đốc bệnh viện Nhi xin lỗi toàn thể nhân dân”.

Ngày 5.7, báo chí đưa tin "Quan chức nói "ùn tắc không phải việc chúng mày" nhận lỗi".

Ngày 5.6, nhiều báo đưa tin “Công an Bình Chánh xin lỗi ông chủ chòi vịt”.

Ngày 18.5 các báo đồng loạt đưa tin “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương ông Tây dọn rác”. Trước đó là lãnh đạo HTV xin  lỗi vì MC đọc “chúc Quốc tang nhiều niềm vui”… và còn nhiều nữa.

Phải nói rằng thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều đơn vị trên toàn quốc đã làm được một việc hết sức văn minh là xin lỗi dân, xin lỗi người bị hại, xin lỗi toàn thể đồng bào một cách công khai trên mặt báo. Hành xử này chỉ vài năm trước còn là một điều hiếm hoi, thường được nhắc đến theo cách “Tây mà thế …”, “ ở Tây là xin lỗi rồi đấy“.

Thời đại thông tin, truyền thông nhanh nhạy, những thông tin tích cực kiểu này khiến dư luận thấy an ủi phần nào, thấy tin vào thành ý của cơ quan quản lý. Tất nhiên là sau khi… đã bức xúc.

Xin lỗi là việc phải xuất hiện sau khi đã phạm lỗi, điều này chẳng cần phải bàn. Điều phải bàn ở đây là họ xin lỗi vì điều gì, tại sao phải xin lỗi, họ xin lỗi cho lỗi của họ hay của đơn vị họ làm lãnh đạo.

Google nhanh thì cũng biết, đa số những trường hợp xin lỗi thời gian gần đây đều là cán bộ cấp cao tìm cách tháo gỡ nhiều lỗi lầm ngớ ngẩn của cấp trung gian.

Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội xin lỗi thay cho bộ phận duyệt market giấy mời hội thảo kim chi nhân ngày giải phóng thủ đô 10.10. Giám đốc viện nhi Trung ương xin lỗi sau khi phó giám đốc đã có phát biểu gây bức xúc dư luận. Tổng Cục đường bộ Việt Nam ra quyết định đình chỉ công tác sau khi cấp trung gian đã sai phạm mày tao vô lối với dân. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tặng bằng khen sau khi chủ tịch phường phê bình ông Tây dọn rác.

Xét về lý, rõ ràng rằng người đứng đầu cơ quan bao giờ cũng phải là người chịu trách nhiệm, trách nhiệm thật hoặc đôi khi là trách nhiệm danh dự nhưng cũng rõ ràng rằng ông Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ không thể đi theo từng cán bộ để chỉ dẫn cần phải có cách xử lý thế nào cho đúng đắn đối với dân, nên cám ơn dân vì đã chủ động vá đường thay vì “mày tao“ chỉ mặt. Ông Chủ tịch thành phố cũng không thể lường trước được để chỉ đạo cán bộ phường nên ủng hộ ông Tây dọn rác thay vì gây khó dễ, yêu cầu xin giấy phép.

Có một thực tế không thể chối cãi rằng, cấp trung gian ở nhiều đơn vị quản lý nhà nước luôn là cấp gây nhũng nhiễu. Năng lực xử lý kém, khả năng chịu trách nhiệm thấp, thói quen hành dân của nhiều năm còn sót đã khiến bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều nơi trở nên kém hiệu quả và gây thiếu thiện cảm.

Khi bảo vệ một cơ quan cho mình quyền hạch sách bất cứ ai, cán bộ hành chính cho mình quyền chỉ mặt mày tao với dân, công an phường nhổ nước bọn vào mặt người cư trú trong địa bàn, chủ tịch phường hạch sách người dọn rác thì rõ ràng rằng những người đứng đầu bộ máy ấy sẽ có cơ hội đăng đàn xin lỗi thường xuyên. Xử lý bằng xin lỗi của người đứng đầu là cách hành xử thông minh và hiệu quả - để dập đi những nỗi giận dữ của  dư luận nhưng rất tiếc, chỉ là giải pháp cực chẳng đã.

Lãnh đạo một đơn vị không thể quanh năm đi dập lửa cho những sai phạm của cấp dưới, người đứng đầu của một cơ quan không thể nhận mãi búa rìu dư luận thay  cấp trung gian, khi ấy, chính hình ảnh của họ cũng bị ảnh hưởng.

Cách đây rất nhiều năm, giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên- Huế đã cho xâm phạm đàn Nam giao, nơi thiêng liêng của thành phố kinh đô cũ. Gần 40 năm trôi qua, giờ hỏi đến, những người dân ở quanh khu vực của Đàn Nam giao vẫn còn bảo, “ông tỉnh ông bộ phá Đàn của dân”.

Cũng tương tự, những hình ảnh công an giao thông đánh người, công an hộ khẩu khó dễ với dân khiến người dân quên đi những đội trọng án vất vả ngày đêm, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì sự bình yên cuộc sống. Hình ảnh bác sĩ cau có hay hạch sách khiến cả ngành y tế bị nhìn nhận bất công, không ai còn thấy những nỗ lực của ngành y, mà chỉ đánh đồng như những bảo vệ sai phạm của bệnh viện.

Thử điểm trong những năm vừa qua, đã có bao nhiêu sự vụ mà người thừa hành công vụ của nhà nước chịu những kỷ luật nặng nề. Đánh dân – kỷ luật. Nhổ vào mặt dân – nhắc nhở nghỉ việc tạm thời. Vỡ ống nước 18 lần – không truy cứu trách nhiệm hình sự… Dường như việc đã là cán bộ nhà nước thì cho dù sai phạm cỡ nào cũng vẫn tại vị, trừ những án trọng án kinh tế.

Chính từ việc đã bước chân vào thì không bước chân ra này phải chăng đã tạo nên một tâm lý thiếu nỗ lực, nhũng nhiễu, coi thường chính công việc của mình?

Từ nhiều năm nay chúng ta nói đến bộ máy cồng kềnh của cơ quan nhà nước nhưng để thanh lọc nó bằng việc sa thải những cán bộ thiếu phẩm chất ngành hầu như ít khi xảy ra. Chúng ta bù lấp bằng nhắc nhở, bằng đình chỉ và cuối cùng bằng giải pháp “lãnh đạo xin lỗi”. Có một điều gần như chắc chắn, việc các cán bộ lãnh đạo đơn vị đi xin lỗi vì những hành vi của cấp dưới sẽ đến lúc mất thiêng.

Và người dân chắc chắn không chờ đợi để được xin lỗi.