Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Làm sao để các ‘cựu quan’ không dễ dàng… ‘hạ cánh an toàn’?

Trung Hiếu

Người Đưa Tin - Pháp luật chỉ thực sự là chỗ dựa cho công lý một khi được thực hiện nghiêm minh và công bằng. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất luận họ có là… quan chức đã về hưu.

Không phải tự nhiên mà dư luận có câu “hạ cánh an toàn” dành cho các cựu quan chức, những người từng giữ vị trí quản lý với “quyền sinh quyền sát” bị phát hiện ra nhiều sai phạm song chỉ bị xử lý qua quýt vì… lỡ về hưu rồi. Nhưng thời gian qua, đã có liên tiếp 2 vụ việc xảy ra mà các “cựu quan” bị nêu tên vì dính dáng tới tiêu cực. Phải chăng đã qua rồi cái thời “hạ cánh an toàn” của những vị ấy?

Gần đây, trên sóng thời sự Đài truyền hình Việt Nam, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã “lên hình”, trong một động thái hiếm thấy là nhắc tới trách nhiệm của vị này liên quan tới hàng loạt sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – hay còn gọi tắt là “quan biển xanh Lexus”.

Cũng ở chương trình này, sau vài ngày, một loạt thành viên của Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex đã được nêu ra vì có trách nhiệm trực tiếp trong vụ liên tiếp vỡ đường ống nước sạch sông Đà, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý có tên của ông Phí Thái Bình, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Nhiều tờ báo cũng góp chung tiếng nói để đưa “tên tuổi” của các cựu quan chức đó trở lại với dư luận, nhưng với một sắc thái khác hẳn!

Đó hẳn là một điều mừng với chúng ta, những người dân không muốn thấy các “ông quan” nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” cứ về hưu mà không có xì-căng-đan nào là yên chí “hạ cánh an toàn”, bất chấp sau đó có phát sinh bao nhiêu tiêu cực chăng nữa.

Nhưng…

Nêu được ra như vậy là một điều mừng! Song xử lý họ thế nào thì quả là chuyện mông lung lắm thay (?!)

Nếu lại chỉ là bài "rút sợi dây kinh nghiệm” thì thất vọng quá, chẳng khác gì xử lý kiểu “bình mới rượu cũ”. Khi đã về hưu, các cựu quan rút kinh nghiệm để làm gì? Để mang ra tự phê bình bản thân trong các cuộc họp Đảng bộ của tổ dân phố hay sao?

Nỗi lo xử lý “bình mới rượu cũ” nói trên không phải là không có cơ sở, khi ở vụ điều tra vỡ đường ống nước sông Đà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định việc làm của các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Nhưng trong quá trình điều tra, những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu, và lại “sức khỏe yếu” nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Thông tin này làm những nỗi niềm bức xúc trong dư luận tăng lên không ngớt. Bởi nếu vậy, hóa ra các cựu quan vẫn… “hạ cánh an toàn” hay sao?

Với những lý do đó, ông Vũ Huy Hoàng có lẽ cũng sẽ vin vào để cho rằng: “Tôi nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành công thương, sức khỏe không tốt, xin… rút kinh nghiệm!”

Pháp luật chỉ thực sự là chỗ dựa cho công lý một khi được thực hiện nghiêm minh và công bằng. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất luận họ có là… quan chức đã về hưu.

Xin đừng lấy những lý do “nghe đã thấy buồn cười” để thay đổi điều đó, và làm cho “truyền thống” hạ cánh an toàn tiếp tục được duy trì!

Nếu vi phạm hình sự, đối tượng phải bị truy tố trước pháp luật đúng người đúng tội. Nếu chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cần có cơ chế xác định thiệt hại để đối tượng phải nộp phạt khoản tiền tương xứng với những gì mình đã gây ra.

Có thế, các cựu quan chức nhà ta mới hết cảnh lẩm bẩm khi cầm tờ quyết định nghỉ hưu: “Thế là xong! Hạ cánh… an toàn!”