Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Công nhân chạy ăn từng bữa, nói gì lương hưu

MINH PHƯỢNG - VŨ THỦY

TT - Đối với công nhân nghèo, lương chỉ ba cọc ba đồng, đủ ăn qua ngày thì tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng càng dồn họ vào thế khó...

Mặc dù hiểu đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội thì lương hưu sau này sẽ tăng nhưng nhiều công nhân xác định chỉ làm vài ba năm kiếm chút vốn, không có ý định “gắn bó đến già” để có lương hưu. 

Đối với công nhân nghèo, lương chỉ ba cọc ba đồng, đủ ăn qua ngày thì tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng càng dồn họ vào thế khó, phải chật vật xoay xở cho cuộc sống trước mắt.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, công nhân giày da (Q.12), cho biết: lương hiện nay của chị là 3,117 triệu đồng. Phụ cấp ăn trưa là 450.000 đồng, cả tiền chuyên cần tầm 4 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị làm ở một công ty khác, thu nhập có nhỉnh hơn một chút. Hai con nhỏ gửi ở quê cho ông bà nuôi, hằng tháng gửi tiền về.

Ở đây tiền nhà, tiền ăn, xăng xe… hằng tháng phải hết sức tằn tiện. Để tiết kiệm, hai vợ chồng chị phải nhín tiền ăn sáng, chỉ ăn mì gói. “Tính theo mức đóng cả phụ cấp, sắp tới tôi phải trích tới 400.000 đồng để đóng. Số tiền ấy cũng không nhỏ” - chị Anh nói. Tính cả hai vợ chồng thì mức đóng tròm trèm 1 triệu đồng/tháng.

Phần lớn trong số họ đều cho biết khó có thể gắn bó lâu dài với nghề để được lãnh lương hưu, vì lý do sức khỏe, vì vấn đề phụng dưỡng cha mẹ, ông bà hoặc về quê chăm sóc con cái bởi đa số đều ở nông thôn, xác định rõ chỉ đi làm công nhân khi còn trẻ và có sức khỏe.

Một số công nhân cũng lo cho doanh nghiệp: nếu mức đóng siết quá, doanh nghiệp gặp khó thì công nhân sẽ mất việc, giảm lương, giảm phụ cấp…

Một số nhìn nhận: áp lực đóng bảo hiểm xã hội tăng chắc chắn doanh nghiệp sẽ siết lại việc tổ chức lao động, giảm con người. Lúc này sẽ xuất hiện tình trạng nhảy việc, mất việc. Đây là một vấn đề xã hội sẽ xuất hiện trong thời gian tới, theo nhiều người.