Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Khi tội ác nhân danh tình yêu

Phạm Hoàng Lan

(Dân Việt) Hôm nay đã là mùng 8.3, ngày mà chúng ta vẫn thường nghĩ rằng tất cả phụ nữ trên thế giới đều sẽ được nâng niu hơn, trân trọng hơn.

Hôm nay đã là mùng 8.3, ngày mà chúng ta vẫn thường nghĩ rằng tất cả phụ nữ trên thế giới đều sẽ được nâng niu hơn, trân trọng hơn. Một món quà nhỏ, một bó hoa xinh hay bữa tối ngọt ngào do chồng tự vào bếp chế biến... vốn là những “món quà” người phụ nữ mong đợi nhất trong cái ngày được coi là “đặc biệt nhất năm” ấy.

Tôi vốn không có thói quen chờ đợi nhận quà và hoa trong những dịp lễ lạt kiểu này bởi tự thấy đó không phải là nhu cầu thiết yếu, không phải là những gì tôi thấy cần trong một cuộc sống vốn quá bận rộn và nhiều áp lực.

Dẫu vậy, chưa bao giờ tôi nghĩ phụ nữ chờ đợi quà tặng từ chồng hay bạn trai của họ trong những ngày này là phù phiếm. Thực tế, tôi vẫn thấy vui vui khi chợt thấy ai đó “khoe” trên facebook cá nhân những món quà, lời chúc mừng từ chồng, bạn trai của họ. Tôi hiểu, với những người phụ nữ, đó không chỉ đơn giản là món quà vật chất mà là yêu thương, hạnh phúc.

Có một vài người đàn ông thường hay nói với tôi, rằng phụ nữ sinh ra để được yêu thương.  Dù sâu sắc hay tẻ nhạt, lãng mạn hay cục cằn, phù phiếm hay thực dụng... họ vẫn là phụ nữ, xứng đáng được bao dung, trân trọng và yêu thương, đặc biệt là từ chính người đàn ông của họ.

Là phụ nữ, tôi hiểu được giá trị lớn lao của lòng bao dung, sự trân trọng, tin tưởng và yêu thương mà người đàn ông dành cho vợ của mình. Đó là mong đợi lớn nhất của người phụ nữ, cũng chính là nền tảng vững chắc nhất để tôn tạo những gia đình hạnh phúc.

Nhưng bây giờ ở ta, có bao nhiêu phụ nữ được yêu thương, trân trọng theo cách mà những người đàn ông kia nói?

Bây giờ, mở báo, xem ti vi, mạng xã hội, tin tức về những vụ chồng bạo hành vợ, những vụ án sát hại vợ, bạn gái rất dã man, tàn độc vì những lý do rất giời ơi vẫn thường xuyên xuất hiện.

Mới đây nhất, ngày 2.3, một vụ nghi án chồng sát hại vợ dã man rồi nhảy xuống giếng tự sát lại xảy ra tại xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Trước đó không lâu, tại TP.HCM, một thanh niên 25 tuổi cũng đã truy sát, dùng dao đâm dã man bạn gái giữa đường rồi tự sát bất thành... Trước đó, hàng loạt vụ án giết người yêu, giết vợ, hại con vì ghen tuông cũng đã xảy, hậu quả vô cùng thảm khốc.

Có thể trong không ít vụ án như thế, nguyên nhân đến cả từ hai phía. Nhưng dù là nguyên nhân gì, khi một người đàn ông xuống tay đánh đập, sát hại dã man chính người phụ nữ của mình, thì họ đã không còn là một con người. Chính sự ích kỷ, độc ác, hung hãn tiềm ẩn trong những người đàn ông đó đã tạo ra những bi kịch đầy máu và nước mắt cho chính gia đình mình. Tội ác đó không thể được dung thứ.

Đã có không ít bài viết phân tích tâm lý tội phạm trong những vụ án giết người vì ghen tuông như thế được đăng tải rộng rãi, nhằm tìm ra căn nguyên của sự hung hãn, ác độc tận cùng trong những kẻ được gọi là “người” chồng, “người” yêu... như thế.  Nhiều chuyên gia tâm lý học tội phạm gọi những người đàn ông đó là những kẻ bệnh hoạn, có lối sống lệch lạc, có thể bị chi phối, tác động  quá nhiều bởi trò chơi bạo lực trong phim ảnh hay game...

Dù với nguyên nhân gì thì đó cũng là tội ác. Mà kiểu tội ác được ngụy trang bằng vỏ bọc mang danh “tình yêu”, vì yêu mà muốn chiếm hữu, vì yêu mà sinh hận, vì yêu mà giết người.... lại càng thực sự ghê sợ, đáng lên án.

Có lẽ trong những vụ án này, cái ranh giới mong manh giữa tình yêu và sự mù quáng, tính chiếm hữu và sự cực đoan, lòng ích kỷ và tội ác đã đẩy phần con trong người lên tới tột đỉnh của sự tàn ác. Chắc chắn sẽ không có lời biện minh nào được chấp nhận dù có kẻ gây án có nhân danh gì chăng nữa.

Nhân danh tình yêu để tự cho mình “quyền” được tước đoạt sinh mạng của người khác. Đó là tội ác. Đương nhiên tội ác sẽ bị trừng trị, nhưng nỗi đau sau mỗi vụ án như thế cứ kéo dài mãi, nhân lên mãi trong nhiều gia đình, dòng họ, đó thực sự là điều kinh khủng nhất.