Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Tòa tuyên bằng thời gian tạm giam, vì sao?

THANH TÙNG

(PL)- Trong thực tiễn xét xử, việc các tòa phạt tù bị cáo (kể cả người chưa thành niên) bằng đúng thời gian tạm giam xảy ra khá phổ biến. Vì sao lại có thực trạng này?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trong vụ cướp giật bánh mì, trả lời PV về việc tòa sơ thẩm cho bị cáo Ôn Hoàng Tân tại ngoại, sau đó tuyên án tù bằng đúng thời gian tạm giam (tám tháng 20 ngày), Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh cho biết: “Quan điểm của tôi thấy rằng không thể vì CQĐT đã tạm giam Tân mà phải xử cho bằng thời gian đã tạm giam bởi Tân chưa thành niên, phạm tội lần đầu”.

Trong thực tiễn xét xử, việc các tòa phạt tù bị cáo (kể cả người chưa thành niên) bằng đúng thời gian tạm giam xảy ra khá phổ biến. Vì sao?

Để đỡ rắc rối và có sự cả nể

Theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), có một nguyên nhân là các tòa hợp thức hóa thời gian tạm giam của bị cáo trước đó thay vì cho bị cáo hưởng hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù hoặc mức án tù nhẹ hơn. Bởi lẽ nếu tòa tuyên bị cáo một hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù hay tuyên mức án tù thấp hơn số ngày bị cáo bị tạm giam thì việc giải quyết hậu quả pháp lý sẽ rất rắc rối. Cho nên với tâm lý đằng nào bị cáo cũng có tội, việc tuyên bị cáo mức án tù bằng đúng thời gian tạm giam là điều dễ dàng nhất, khỏe nhất cho cả ba cơ quan tố tụng.

Một nguyên nhân khác, theo một cán bộ TAND Tối cao có nhiều kinh nghiệm xét xử là tòa có sự cả nể đối với CQĐT, VKS cùng cấp trong những vụ án mà chứng cứ kết tội không thật sự thuyết phục, vững chắc. Sau nhiều lần trả hồ sơ mà VKS vẫn truy tố, vì nhiều áp lực, có khi từ chính nội bộ các cơ quan tố tụng với nhau, tòa đã không dám tuyên bị cáo vô tội, thay vào đó chọn giải pháp an toàn là phạt tù bằng thời gian tạm giam và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

“Bản thân người xét xử chưa mạnh dạn tuyên các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù đối với bị cáo, đôi khi cũng do tâm lý lo ngại là sẽ phải giải trình với lãnh đạo” - một thẩm phán khác bộc bạch thêm.

Cần hướng dẫn trước mắt

Về vấn đề này, TAND Tối cao từng đề cập trong Công văn số 81/2002 (giải đáp các vấn đề nghiệp vụ) gửi các TAND và tòa án quân sự các cấp cùng các đơn vị thuộc TAND Tối cao.

Theo đó, khi quyết định hình phạt, tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào quy định của BLHS (1999 - NV), cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, xét thấy trong trường hợp cụ thể đó xử phạt bị cáo mức hình phạt tù bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam là thỏa đáng thì tòa cấp sơ thẩm có quyền xử phạt bị cáo đúng bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Theo quy định tại Điều 201 BLTTHS (1988 - NV) thì một trong những trường hợp HĐXX phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác khi thời hạn tù bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Do đó, trong trường hợp tòa cấp sơ thẩm đã quyết định xử phạt bị cáo đúng bằng thời gian bị cáo bị tạm giam và tuyên bố trả lại tự do ngay cho bị cáo tại phiên tòa nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác là đúng với các quy định của pháp luật. Việc quyết định như trên không có ảnh hưởng gì tới quyền kháng cáo, kháng nghị và việc ra quyết định thi hành án. Những vấn đề này vẫn được thực hiện theo quy định chung của BLTTHS (1988 - NV).

Tuy nhiên, đến nay thực trạng tòa hợp thức hóa thời gian tạm giam đã gây nhiều bức xúc trong dư luận vì nó làm bị cáo đã mất đi cơ hội được hưởng hình phạt nhẹ hơn hoặc mức án tù nhẹ hơn, thậm chí là được tuyên vô tội. Vì vậy, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán rất ủng hộ chỉ đạo chung của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình từ vụ “cướp giật bánh mì” mới đây: “Đối với TAND các cấp, khi xét xử các vụ án hình sự phải chấp hành nghiêm túc các quy định của BLTTHS về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo, đặc biệt là đối với bị cáo là người chưa thành niên. Các tòa án phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập trong xét xử để ra các bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không được ra bản án, quyết định có nội dung chấp nhận sai sót nghiêm trọng của CQĐT, VKS trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án”.

Từ chỉ đạo trên, không chỉ các thẩm phán mà các chuyên gia cũng hy vọng các tòa sẽ thống nhất đường lối xử lý là mạnh dạn áp dụng hình phạt nhẹ hơn, mức án nhẹ hơn đối với bị cáo nếu hình phạt, mức án đó chuẩn xác cho dù bị cáo đã bị tạm giam bao nhiêu ngày trước đó.

Tuy nhiên, TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng để các tòa có thể dễ dàng và mạnh dạn áp dụng thì trước mắt TAND Tối cao cần phải lấp được khoảng trống pháp luật là chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tính sao với số ngày bị tạm giữ, tạm giam “lố” của bị cáo sau khi tòa tuyên một mức án tù thấp hơn. Hoặc hướng dẫn về quy đổi, hoán đổi... thời gian tạm giam của bị cáo chưa thành niên trong trường hợp tòa không tuyên hình phạt tù mà thay bằng biện pháp tư pháp như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hay đưa vào trường giáo dưỡng.
***

Hạn chế tạm giam người chưa thành niên

Theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), vụ cướp giật bánh mì có thể coi là bài học lớn cho CQĐT, VKS trong việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội. “BLTTHS hiện hành quy định cơ quan tố tụng chỉ bắt tạm giam khi đó là biện pháp cuối cùng. Do vậy, để tòa không phải “khó xử” khi áp dụng biện pháp tư pháp, hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù thì ngay từ đầu CQĐT và VKS nên hạn chế tối đa việc bắt tạm giam người chưa thành niên phạm tội” - TS Hưng nói.

Ông Nguyễn Kim Tiếng (nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) cũng cho rằng việc bắt tạm giam hai bị cáo trong vụ cướp giật bánh mì là không nên. “Đối với người chưa đủ 18 tuổi thì pháp luật đã quy định rất rõ về chính sách hình sự đặc biệt đối với họ nên các cơ quan tố tụng phải rất thận trọng, phải luôn ưu tiên xử lý theo hướng có lợi cho họ. Riêng về việc tạm giam thì CQĐT và VKS nên hạn chế tối đa, chỉ áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người…” - ông Tiếng nói.