TTO - Một con đường hết ngập lẽ ra phải mang đến niềm vui cho người dân nhưng trớ trêu, khi mặt đường được nâng lên cả mét, nhà dân hai bên bỗng biến thành hầm.
“Chỉ cần sớm cho chúng tôi biết rõ cốt nền đường cần thiết thì giờ đâu phải khốn khổ như vậy. Kinh doanh lụn bại, ăn ở chẳng được, kêu bán cũng chẳng ai thèm ngó căn nhà trị giá mấy tỉ bạc mà như ao hầm thế này!”.
Nhiều cư dân trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) trút nỗi niềm bức xúc.
Họ nói thẳng nếu nước trên mặt đường cao hơn nền nhà cả 1m hay 1,5m mà dồn xuống nhà mình, họ còn sợ cả chuyện sơ sẩy con nhỏ chết đuối ngay giữa nhà mình, chứ đừng nói ngập chân hay ướt đồ.
Đâu chỉ có khu vực đường Kinh Dương Vương, rất nhiều khu dân cư bên đường khác ở TP.HCM cũng không thoát khỏi thảm cảnh này. Chuyện những con đường bỗng chốc cao thành bờ đê, rồi nhà dân sụt xuống làm ao hồ trữ nước như bi kịch dài tập “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Nhưng chính vì vấn đề đô thị chẳng tìm thấy hồi kết có hậu nên nỗi khốn khổ, bức xúc của người dân càng nặng nề thêm.
Một con đường hết ngập lẽ ra phải mang đến niềm vui tiện lợi, sao lại nhiều hệ quả phát sinh, nhiều lời than vãn thế này? Chẳng lẽ gánh nặng cứ mãi đổ trên vai người dân tội nghiệp bên đường?
Cư dân trên đường Kinh Dương Vương mới tạm tính sơ chi phí “đắp ao hồ” nhà mình đã thấy mất ít nhất từ vài trăm triệu đồng, thậm chí không ít nhà còn tốn kém nhiều hơn.
Không chỉ mua vật liệu xây dựng đắp nền nhà lên cao hơn mặt đường, mà còn hàng loạt hạng mục phải sửa chữa, thậm chí thay đổi toàn bộ như hệ thống điện, cấp thoát nước, hầm vệ sinh, cửa nẻo, bếp núc...
Tuy nhiên sau gánh nặng tiền bạc này, họ tiếp tục đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: những tầng trệt mặt tiền là nơi kiếm sống lâu nay sẽ còn làm được gì khi nó thấp lè tè, thậm chí chui không lọt?
Chỉ có cách khác là đập bỏ căn nhà để xây mới, nhưng không mấy người có thể xoay xở nổi việc tự dưng phải phá nhà đang ở, xây nhà mới thế này.
Câu chuyện cái cốt nền chắc chắn cần phải mổ xẻ nhiều để người dân thành phố không còn tiếp tục gánh họa bên đường.
Nhưng ngay từ bây giờ, câu chuyện nhà dân bỗng chốc hóa hầm cần phải được nhanh chóng tìm kiếm giải pháp giúp giảm thiệt hại cho dân.
Đó có thể là chuyện nghiên cứu cao độ nền đường thế nào cho hợp lý hợp tình, đường thì hết ngập mà nhà dân cũng không đến nỗi phải thành ao sâu vô phương cứu chữa.
Đó cũng có thể là giúp đỡ những gia đình thật sự gặp khó khăn vì các công trình này, như miễn giảm thuế kinh doanh, cho vay ưu đãi để sửa chữa nhà, đơn giản hóa thủ tục xin phép sửa chữa, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phương tiện làm ăn...
Và không thể chấp nhận giải pháp chống ngập nhà dân theo cách bắt họ phải trả giá bằng nỗi khốn khổ và sự thiệt hại, như những gì cư dân hai bên đường Kinh Dương Vương đang gánh chịu trong những ngày này!