LĐO - Ngay giữa đêm tối, bất chấp sự phản đối của các hộ dân sống quanh khu vực, một chiếc máy xúc vẫn lầm lũi tiến vào hiện trường rồi xới tung đất quanh khu vực hố móng...
Ngày 24.4, thuật lại những gì mắt thấy tai nghe với PV, ông Khang - một người dân có trang trại nằm sát hiện trường vụ sập đổ - cho biết: “Lúc cột điện đổ là khoảng 7h30’ sáng 22.4. Một cột đổ trước rồi kéo cột khác đổ theo.
Đến tối 22.4, có 2 người lạ mặt đã điều khiển máy xúc tiến vào hiện trường vụ sập đổ. Nghi ngờ việc làm lúc đêm hôm có biểu hiện bất minh, ông Khang đã từ chối khi những người này ngỏ ý muốn đi qua vườn cam của ông để vào hiện trường.
Thế nhưng, tranh thủ lúc ông Khang về nhà nghỉ ngơi, chiếc máy xúc đã nhanh chóng hoàn tất "sứ mệnh" của mình. Kết quả, sáng sớm hôm sau khi có mặt tại hiện trường, ông Khang thấy phần móng của 2 chân cọc đã bị máy múc đào bới thành những hố sâu, chỉ còn lộ phần bê tông và thép chờ.
Liên quan đến vấn đề trên, trưa 24.4, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông Dũng cho biết, sự việc xảy ra ban đêm nên lãnh đạo huyện không nắm được. “Cũng chẳng biết được, việc đó là do ngành điện người ta chủ động chứ còn không liên quan gì đến huyện”, ông Dũng nói. Vị Chủ tịch huyện cho biết, do sự cố liên quan đến an ninh quốc gia nên Bộ Công an đã vào cuộc, nên ông nêu quan điểm cho rằng, chuyện lấp liếm hiện trường là khó có khả năng xảy ra.
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, vào khoảng 7h30 sáng ngày 22.4, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm đổ một số cột đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa đoạn đi qua địa bàn xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Rất may, khu vực xảy ra vụ việc ngoài cánh đồng nên không gây thiệt hại về người.
Được biết, đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là đường dây mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139 km từ trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang), đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do TCty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư.
Về sự việc trên, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, Phó Tổng giám đốc TCty truyền tải điện quốc gia - ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, ngay sau khi cột điện bị đổ, để nhanh chóng khắc phục sự cố, sớm đưa công trình vận hành trở lại, TCT đã yêu cầu các bên tư vấn, thi công khẩn trương làm việc 3 ca, trong đó làm cả đêm mới kịp tiến độ đề ra, sau 15 ngày đảm bảo đóng điện trở lại.
Xác định đây là công trình trọng điểm cấp điện cho khu vực phía bắc, ngay trong ngày 24.4, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã xuống kiểm tra việc thi công công trình. Theo báo cáo của Cty truyền tải điện Đông bắc, việc các đơn vị thi công thực hiện khắc phục sửa chữa đường dây đã được ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương. Vì vậy, không thể nói là chính quyền địa phương không hay biết.