(Dân Việt) “Hành vi của bị can gây nguy hiểm cho xã hội, phá vỡ quy hoạch tổng thể địa phương, xâm phạm đến tình hình trật tự quản lý đô thị… cần phải xét xử trước pháp luật để giáo dục chung”. Đó là nội dung trong kết luận điều tra của CA huyện Bình Chánh về việc ông Nguyễn Văn Bỉ cất cái chòi vịt mà không xin phép.
Rốt ráo xử lý
Theo Kết luận điều tra do đại tá Nguyễn Văn Quý ký, để có được chứng cứ chứng minh ông Bỉ gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ có các cơ quan tố tụng ở Bình Chánh tham gia xử lý mà còn có sự góp sức tích cực của chính quyền địa phương, từ cấp thị trấn (Tân Túc) đến cấp huyện (Bình Chánh) và các phòng, ban liên quan.
Theo hồ sơ, “bị can” Nguyễn Văn Bỉ là người sống tại địa phương. Năm 2005, vợ chồng ông Bỉ mua miếng đất rộng gần 4.000m2 ở thị trấn Tân Túc (mua trước khi có trụ sở công an huyện Bình Chánh).Tháng 7.2015, ông Bỉ cất cái chòi nuôi gia cầm và chứa vật tư trồng cây, kết cấu cột cây, vách lá, mái lá.
Ngay lập tức, ngày 14.7, UBND thị trấn Tân Túc vào cuộc, một nhóm cán bộ đến chòi vịt lập biên bản vi phạm hành chính hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”. Hồ sơ vi phạm của ông Bỉ ngay sau đó được chuyển về UBND huyện Bình Chánh.
Trong vòng 7 ngày, UBND huyện ra ngay quyết định xử phạt, buộc ông Bỉ ra kho bạc nộp tiền (6 triệu đồng).
Không có chỗ chứa vật tư trồng cây, bầy ngỗng lại chạy tứ tung, kêu quang quác, đẻ lung tung, sợ ảnh hưởng môi trường làm việc của công an huyện nên ngày 17.11.2015, ông Bỉ dùng vật liệu cũ, dựng tạm cái chòi lá để nhốt ngỗng - cái chòi dựng chỉ trong vài giờ là xong.
Ngay lập tức, cán bộ của UBND thị trấn Tân Túc phát hiện, cấp báo về cấp trên. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc - đồng chí Ngô Công Minh tức tốc cho cán bộ lập ngay biên bản trong ngày, xác định ông Bỉ cất cái chòi ngỗng là hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”.
Hồ sơ này, lại được chuyển ngay về cho huyện. Cũng trong vòng 7 ngày, huyện ra quyết định xử phạt nhưng lần này ông Bỉ không nộp tiền.
Ngay sau đó, Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Phạm Quang Vinh đã phải ký giấy tờ, cử hai cán xuống tham gia xử lý vụ việc trên. Các cán bộ này tống đạt quyết định xử phạt nhưng ông Bỉ không nhận.
Chủ tịch thị trấn Ngô Công Minh xác định ông Bỉ là “chủ đầu tư” cái chòi vịt (từ dùng trong văn bản hẳn hoi), ông Bỉ lại không tự tháo dỡ nên chủ tịch Minh phải ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình chòi vịt.
Trong thời gian này, điều tra viên Lương Anh Tuấn - Công an huyện Bình Chánh nhiều lần mời ông Bỉ đến làm việc. Đến ngày 14.12.2015, Công an huyện Bình Chánh có Công văn gửi UBND huyện, đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bỉ để công an điều tra.
Vài ngày sau, Phòng quản lý đô thị huyện cũng có tờ trình đề nghị tạm hoãn, để công an làm. Sau đó, Chủ tịch Bình Chánh Võ Văn Quận ký quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định phạt ông Bỉ. Ông Quận giao Chánh Văn phòng UBND huyện, trưởng phòng quản lý đô thị thi hành quyết định này.
Công an huyện phối hợp với UBND thị trấn Tân Túc đi kiểm tra hiện trường thì cái chòi đã tháo dỡ. Tại Cơ quan CSĐT, ông Bỉ khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Chòi vịt phá vỡ quy hoạch của địa phương?
Theo Kết luận điều tra do Đại tá Nguyễn Văn Quý ký, hành vi của bị can Nguyễn Văn Bỉ gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung.
Trong vụ án này, một kiểm sát viên của Viện KSND huyện Bình Chánh đã tham gia tố tụng. Ông Viện phó Lê Thanh Tòng là người ký tá các văn bản liên quan đến vụ án.
Như vậy, để xử lý ông Bỉ, cán bộ ở Bình Chánh đã thực hiện quy trình rất chặt chẽ với hơn chục cán bộ tham gia: cán bộ và chủ tịch thị trấn Tân Túc (3 người); cán bộ và trưởng phòng quản lý đô thị (3 người); cán bộ và chủ tịch UBND huyện, chánh văn phòng UBND huyện; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…
Điều làm dư luận bức xúc là, huyện Bình Chánh nổi tiếng cả nước về tình trạng xây dựng không phép. Liên quan đến việc xây dựng không phép, trong năm 2014, có 11 tổ chức và gần 50 cán bộ của huyện này bị xử lý kỷ luật khi để hàng ngàn căn nhà không phép kiên cố mọc lên.
Trong số này, chòi vịt của ông Bỉ là “công trình không phép” nổi tiếng nhất.
Và ông Bỉ đã phải đóng phạt 6 triệu đồng, trong khi công trình của ông chỉ trị giá... 600.000 đồng.