(Dân Việt) Tại sao người ta mang bom, vật liệu nổ vào thủ đô dễ dàng như ta mang mấy ổ bánh mì vậy?Một cơ sở đầy vật liệu nổ nghênh ngang giữa phố mà không thấy ai tới hỏi thăm?
Khi tôi đưa hình ảnh hiện trường vụ nổ ở Văn Phú-Hà Đông lên trang cá nhân nhiều người đã không tin đó là sự thật vì đột ngột bất ngờ quá, nhiều bạn khác thì yêu cầu tôi thay hình vì không chịu nổi cảnh hai mẹ con người phụ nữ nằm chết như đang ngủ trên đường. “Có khác gì em bé Syria trên bờ biển đâu?”.
Đúng như vậy, một hình ảnh đau lòng, những cái chết “tai bay vạ gió, từ trên trời rơi xuống”.
Thoáng qua thì đúng như vậy nhưng nếu minh định về mặt quản trị xã hội thì không. Tại sao người ta mang bom, vật liệu nổ vào thủ đô dễ dàng như ta mang mấy ổ bánh mì vậy?
Còn nữa, một cơ sở đầy vật liệu nổ nghênh ngang giữa phố mà không thấy ai tới hỏi thăm?
Cảnh sát khu vực đâu? Cảnh sát PCCC đâu? Quản lý thị trường đâu?
Dạ thưa, họ vẫn ở đó, vẫn cà phê mỗi sáng, vẫn đưa con đi học, vẫn trở về nhà mỗi ngày một cách thanh thản mặc dù về truy nguyên trách nhiệm, họ là đồng tác giả vụ “giết người” chiều thứ bảy 19.3, một thứ bảy đen tối với biết bao gia đình. Trừ họ.
Tôi không biết chính quyền Hà Nội có làm rõ trách nhiệm và xử lý những người này không hay vẫn như thường khi đóng dấu chấp nhận vào bản tường trình rằng: “Tất cả đều đúng quy trình”?
Một vụ cháy nổ xảy ra, nhiều người vô tội chết oan. Còn nhớ vụ nổ ngày 17.10.2014 tại Công ty TNHH Đặng Huỳnh (quận 12, TPHCM) làm 3 người chết, 5 người bị thương, sập 12 căn nhà. Trước đó, vụ nổ ngày 24.2.2013 tại nhà “Phương khói lửa” (hẻm 384, đường Nam Kỳ Kkởi Nghĩa, quận 3, TPHCM) đã cướp đi 11 sinh mạng.
Nếu thói vô cảm của những người có trách nhiệm vẫn thế và không bị trừng trị thì sắp tới chúng ta vẫn còn tiếp tục nghe tiếng nổ không mong muốn.
Mà đúng như vậy, ngay ngày hôm sau, chủ nhật 20.3, một tiếng nổ lớn chấn động cả Biên Hòa (Đồng Nai), không phải bom, vật liệu nổ mà là do va chạm của một sà lan “tiết kiệm” và cây cầu Ghềnh, huyết mạch giao thông đường sắt Bắc Nam-Nam Bắc.
Thiệt hại không thể tính được vì theo cơ quan chuyên ngành phải mất 4 đến 5 tháng mới khắc phục và sửa chữa cầu Ghềnh để đưa vào hoạt động, nhưng lý do cho thiệt hại thì cũng vô cảm và thêm yếu tố hồn nhiên kỳ quái thường ngày: “tiết kiệm”.
Anh Thuận, một tài công trên 20 năm kinh nghiệm nói:
-Điều nguy hiểm nhất hiện nay cho các cây cầu là các tài công sà lan hay lợi dụng dòng chảy thủy triều để tiết kiệm dầu khi qua cầu, đó cũng là nguyên nhân trực tiếp cho toàn bộ các tai nạn sà lan đâm cầu trong hàng chục năm qua.
Trong nội thủy có 2 cây cầu nguy hiểm là Bình Lợi và cầu Ghềnh, những tài công cẩn thận đều phải đi ngược nước để có thể điều chỉnh chính xác đường đi của sà lan.
Nhưng không hiểu vì ép buộc của chủ doanh nghiệp hay vì để dư ra mấy lít dầu bán lấy tiền nhậu mà các tài công thường liều mạng đi xuôi dòng thủy triều, chấp nhận va chạm có thể xảy ra.
Hoàn toàn phù hợp với lý trình mà cơ quan chức năng nêu về nguyên nhân ban đầu làm sập cầu Ghềnh, Ông Phan Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Bộ GTVT cho biết vào sáng 21.3 khi tiến hành trục vớt sà lan và đầu máy đẩy.
Theo vị Phó Cục trưởng, qua điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng, sà lan lưu thông xuôi dòng nước triều cường lên từ hướng cửa biển vào. Do tài công không am hiểu dòng chảy của nước nên điều khiển sà lan va chạm vào trụ cầu. Cú va chạm mạnh cộng thêm dòng nước chảy xiết đã gây gãy trụ, làm sập 2 nhịp cầu, 3 người và phương tiện rơi xuống sông.
Quá đáng sợ cho cái kiểu "tiết kiệm" bất chấp tất cả này!
Nhưng đây chỉ là tai nạn, tức là nó đột ngột nhưng lâu lâu mới xảy ra, “trời kêu ai nấy dạ”… Còn có những cái chết từ từ nhưng chắc chắn và phổ biến nhưng cũng bị thả nổi, bỏ mặc, đó là thực phẩm bẩn, thực phẩm có dư lượng chất nguy hại.
Các nhà khoa học đã kết luận có mối liên quan trực tiếp giữa thực phẩm bẩn tràn lan và căn bệnh ung thư đang xếp đầu bảng về số lượng trên y văn thế giới thì cán bộ có trách nhiệm bảo vệ dân trên lãnh vực này hồn nhiên nói, cứ cho là có chất độc hại nhưng dân cứ ăn, không sao đâu, mà ông này không chỉ nói một lần.
“Có những mẫu dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn”, phát biểu của ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT, đã bị dư luận phản đối dữ dội. Đây không phải lần đầu ông Cục trưởng phát biểu gây sốc.
Vụ táo Trung Quốc nhiễm độc, được truyền thông báo động hồi tháng 6.2012, ông Nguyễn Xuân Hồng cũng khẳng định: Chất độc trong táo Trung Quốc ở ngưỡng an toàn. Dẫn kết quả phân tích 40 mẫu táo Trung Quốc có chứa hóa chất độc hại thiram với hàm lượng 0,08 ppm, trong đó 15 mẫu có hóa chất aren ở mức từ 0,02 - 0,11 ppm, ông Hồng khẳng định chất độc thấp hơn ngưỡng cho phép và trong ngưỡng an toàn khi sử dụng.
Tôi tin rằng mỗi người chúng ta cũng sẽ có ít nhiều những dẫn chứng cho riêng mình về những việc “trời ơi” như trên làm người dân lãnh đủ hậu quả còn người có trách nhiệm thì giả vờ ngơ ngác, ngu ngơ khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Trên mạng xã hội đang có slogan: “Khi cán bộ hồn nhiên như cô tiên thì em biết sống sao đây?”.
Vâng, với tình trạng này, nếu không có gì thay đổi thì không phải cán bộ mà người dân phải tập sống “hồn nhiên” để chờ “tai bay vạ gió” ập đến lúc nào không biết!
Không hiểu tiếng bom như trời giáng giữa thủ đô vào ngày thứ bảy đen tối lần này cũng như tiếng kêu trời của người dân về điều kiện sống mất an toàn nhiều mặt, tai nạn rình rập… liệu có “thủng tai” những cán bộ có thói quen vô cảm hay không?