Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Tôi giàu, tôi vô can?

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Người Đô Thị - Ai dám nói rằng mình vì có tiền, có quyền nên có thể chọn lựa một điều kiện sống tốt nhất ở trong xã hội này, đứng ngoài và đứng trên những vấn đề của cộng đồng lam lũ?

Chuyện thứ nhất

Chị Linh là một ca sĩ khá giả ở miền Bắc. Tháng trước, trong một diễn đàn kết nối doanh nghiệp, chị Linh nói đại ý, ai muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Ý đó khiến chị hứng chịu một đợt mưa đá của dư luận. Thoạt đầu, hàm nghĩa phát ngôn ấy không sai, nếu nhìn trên phương diện hiện tượng. Ví dụ về rau sạch. Người làm ra rau sạch thời bây giờ sẽ phải đầu tư công nghệ tốn kém hơn, nếu là doanh nghiệp thì việc chuyển giao kỹ thuật, thay đổi nhận thức và thói quen người trực tiếp canh tác sẽ khó khăn hơn, cải tạo đất đai bạc màu vì hóa chất cũng là vấn đề, và cuối cùng sản phẩm thu được khó bán hơn vì hình thức không trội bằng rau tẩm hóa chất, chi phí sản xuất lại cao... Thực tế thì bó rau sạch ở các cửa hàng organic, rau hữu cơ, thậm chí rau thủy sinh sẽ đắt hơn rau Viet GAP hay rau ở các chợ không rõ nguồn gốc. Vậy thì chị Linh ca sĩ nói như hiển nhiên là chuyện “đúng rồi”. Cớ sao lại ném đá chị ấy chi tội nghiệp?

Dư luận ném đá cũng có cái lý của mình. Ở đời có những cái “đúng rồi” thật lạnh lùng. Cái đúng xảy ra trong hoàn cảnh phát ngôn - chia sẻ nỗi ưu tư của những doanh nghiệp làm thực phẩm sạch - nhưng nó lại là một diễn ngôn bất lợi trong một bối cảnh rộng lớn của đời sống cần sự chung chia những giá trị nhân văn cộng đồng, cần xây dựng một trách nhiệm và ý thức chung trong việc cải thiện chất lượng sống. Dư luận đã đặt ngược lại câu hỏi: vậy xét ở góc độ tiêu dùng, khi chị nói đừng đòi hỏi bó rau sạch phải rẻ, thì chị đang đại diện cho ai, những người giàu có hay cho đa phần dân Việt Nam vì không đủ điều kiện kinh tế để chọn cho mình, gia đình mình bó rau sạch? Phải chăng không có tiền thì cứ yên tâm mà dùng thực phẩm bẩn?

Cái nhãn trọc phú vốn không có họ hàng gì với chất giọng đẹp đã được gắn cho chị Linh trong trường hợp này, xem ra rất khó lường. Chị Linh hứng đá và (đành phải) tha thứ cho người ném đá. Không cách gì khác. Vì một phát ngôn “đúng rồi” nhưng quên những rào đón về bối cảnh và không lường trước được về “dư vị” lạnh lùng của nó tạo ra cho người tiếp nhận. Khi tinh thần của nó (vô tình) ứng vào cái tâm lý và ứng xử thói thường của tầng lớp giàu xổi, đó là bởi vì mình có khả năng chọn lựa những điều kiện sống tốt nhất, tự tách mình ra khỏi những trách nhiệm cộng đồng, coi mình vô can, đứng ngoài những khắc khoải của tha nhân, không chung chia những vấn đề chung của xã hội.

Chuyện thứ hai

Một lần nọ, tại quán cà phê Starbucks ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng xảy ra cuộc tranh luận dữ dội giữa một cậu nhà báo mới vô nghề đang lý tưởng cải tạo xã hội với một ông chủ doanh nghiệp mới giàu cũng đang lý tưởng cải tạo xã hội. Kẻ này muốn cải tạo xã hội bằng truyền thông (đã bảo là mới ra trường đi làm báo), kẻ kia muốn cải tạo xã hội bằng tiền bạc của cải.

Chủ đề của họ là vì sao dân chúng ở Sài Gòn lại đi biểu tình vì Formosa gây ô nhiễm ở vùng biển bốn tỉnh miền Trung. Cuộc tranh luận được châm ngòi bằng một câu khiêu khích của “cư dân thiên đường” giàu có: “Nếu đã sống ở đây (Phú Mỹ Hưng), sáng Chủ nhật chỉ cần ra quán cà phê ngồi ngắm gái, là bao nhiêu bức xúc tan biến, hơi đâu đi biểu tình hết biển đảo lại đến Formosa. Đúng là bọn người đó quởn!”. Anh nhà báo mới vô nghề như bị dội gáo nước lạnh vào mặt, gân cổ lên thuyết giảng một bài về trách nhiệm xã hội công dân, về quyền được bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc...

Dĩ nhiên, như đã nói, anh nhà báo đang ở thời nhiệt huyết “cách mạng” nên ngôn từ của anh đôi khi ngây thơ và giáo điều, cốt để bảo vệ cho những đám đông đang nói hộ mình những thông điệp xã hội bức thiết ở quận Một. Nhưng anh quên rằng, đây là “thiên đường”, nên “cư dân của thiên đường” cũng sẽ có lý lẽ của mình để kết cuộc trò chuyện, giải tán khi những ly cà phê nhạt còn chưa dùng hết: “Khi nào “thằng” Formosa đụng đến đây, tôi mới là người nói. Còn bây giờ, chẳng ai bắt tôi phải có trách nhiệm cả. Đó là tự do chọn lựa của tôi. Đó không phải là vấn đề của tôi, được chưa!”.

Chuyện thứ ba

Phải giải tán trong tình trạng chẳng thắng thua, không thỏa mãn là điều thường thấy ở những cuộc tranh luận về trách nhiệm xã hội hay thái độ sống. Vì mỗi người đứng ở hệ quy chiếu - hoàn cảnh của mình, sẽ có một góc nhìn, quan niệm và lối hành xử riêng.

Nhưng chỉ sau cuộc tranh luận ấy không lâu, thì cư dân “thiên đường” Phú Mỹ Hưng phản ứng việc bãi rác Đa Phước phả mùi hôi khiến họ mất ăn mất ngủ. Thật ra, chuyện này đâu có mới mẻ gì. Những cư dân quanh đồi rác Đa Phước đã kêu trời trong nhiều năm, sống chung với mùi rác nhiều mùa. Nhưng vì đó là câu chuyện nằm ngoài Phú Mỹ Hưng, nên lẽ dĩ nhiên, chẳng ai quan tâm.

Cho đến một ngày ngọn gió mang mùi rác đã thổi đến chốn “thiên đường”, cuộc sống không còn tự tại tươi đẹp trong lành nữa, người ở Phú Mỹ Hưng mới thấy, hóa ra vấn đề Đa Phước chính là vấn đề của mình! Chắc rằng anh bạn chủ doanh nghiệp trẻ giàu có hôm nọ ngồi ở cà phê Starbucks cũng đang xếp hàng ký vào đơn kêu cứu khi chất lượng sống của mình và gia đình bị xáo trộn bởi mùi gió.

Người Sài Gòn, Hà Nội ai dám chắc trong vài tháng qua đã không ăn những hải sản di chuyển từ vùng biển bốn tỉnh ô nhiễm đến những ngư trường khác? Hay có ai ở Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Giờ dám chắc là vùng biển hàng ngày mình vẫn tắm và ăn cá không can dự gì đến những hệ lụy nếu xảy ra với những nhà máy thép của tương lai?

Ai dám nói rằng mình vì có tiền, có quyền nên có thể chọn lựa một điều kiện sống tốt nhất ở trong xã hội này, đứng ngoài và đứng trên những vấn đề của cộng đồng lam lũ? Có lẽ đã đến lúc phải dùng đến từ “cộng nghiệp” của nhà Phật để nhắc lại một chuyện: những con người sống trong ngôi nhà tranh tồi tàn chốn thôn quê hay nhung lụa trong những biệt thự ở khu đô thị hiện đại đều đang chung chia một thứ hệ lụy từ môi trường tự nhiên và văn hóa trong một mô hình phát triển không bền vững.

Người nghèo sẽ bị tác động sớm nhất, nhưng dễ bị tổn thương nhất chưa chắc là họ, mà có khi chính là những kẻ tư duy trọc phú đã từng tự cho mình cái quyền được vô can!