Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Bình thường không còn dễ?

Nguyễn Vinh

(TBKTSG) - Cách đây vài năm, vào dịp Tết nhất, có ông bộ trưởng tuyên bố trong cuộc họp báo rằng,... sẽ không nhận quà Tết. Báo chí lúc ấy lập tức đăng tải rần rần. Chưa biết trên thực tế sẽ ra sao, nhưng chỉ cần một phát ngôn như thế, điểm tín nhiệm của ông bộ trưởng trong lòng dân chúng có lẽ đã tăng vùn vụt sau “sự kiện” ấy.

Nhưng câu hỏi đặt ra, vì sao chuyện một quan chức có biểu hiện liêm khiết mà cũng thành “sự kiện” suýt nữa thì gây sốc?

Mới hơn, hôm 1-8 vừa qua, trong cuộc họp thường kỳ chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một loạt phát biểu được nhiều tờ báo cho là “thẳng thắn, mạnh mẽ”. Ông nói về trọng dụng nhân tài, “phải thi tuyển tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Về tiết kiệm chống lãng phí tài sản công, Thủ tướng nói, bản thân ông sẽ làm gương, không mua xe mới (theo Tuổi Trẻ).

Đặt trong môi trường mà chuyện ưu tiên con ông cháu cha vào các cơ quan nhà nước, ngồi những ghế nóng vẫn còn nhiều, chuyện quan chức cấp cao thay xe xịn như thay áo, cố thăng quan tiến chức để vinh thân phì gia đã trở thành... bình thường và phổ biến, thì lời phát biểu của vị đứng đầu Chính phủ về những nguyên tắc, đạo lý đương nhiên kia hóa ra có gì đó đi ngược quá với bối cảnh ứng xử đời sống quan trường. Nó lập tức là “sự kiện nóng”, được các báo tô đậm.

Và không chỉ trong thế giới lãnh đạo hay quản lý xã hội, mà ngay cả trong ứng xử đời sống thường ngày cũng vậy. Sự đảo lộn hệ thống giá trị sống đang khiến những thứ bất thường trở thành bình thường và điều lẽ ra rất bình thường, cơ bản phải có, lại trở thành bất thường. Trẻ con vẫn được dạy nhặt được của rơi trả người đánh mất, không gian lận trong thi cử, học tập, phải biết tiết kiệm và quan tâm đến tha nhân... nhưng vì trong đời sống, những hành xử ấy không trở thành đương nhiên, nên khi có em nào đó làm được, người lớn lập tức biến chúng thành những “ngôi sao” của đủ thứ thành tích rực rỡ. Nó tạo ra thứ động cơ, khiến người ta thay vì phải thực thi những giá trị căn bản bởi cuộc sống cần như thế thì lại thực thi để tạo hình ảnh hay thu gặt thành tích hay ngợi khen.

Trong một bối cảnh nhà nhà dùng hóa chất phun vào rau quả kích thích tăng trưởng, tăng năng suất rồi đem bán cho khách hàng mà không cần quan tâm đến sức khỏe, tính mạng người khác, thì bó rau sạch mọc bờ ao rất đỗi tự nhiên trở thành một thứ đặc biệt đắt đỏ. Trong khi lẽ ra cái nguyên tắc tạo ra sản phẩm sạch, có trách nhiệm với xã hội phải là thứ bình thường nhất mà mỗi nhà nông phải nằm lòng!

Đạo đức kinh doanh cũng là chuyện tương tự. Những doanh nghiệp bỏ vốn lớn trong đầu tư công nghệ xả thải rồi đây sẽ trở thành những doanh nghiệp... không bình thường nếu như các dự án khổng lồ kiểu Formosa xả thải gây chết cả một vùng biển không bị phát hiện là chuyện phổ biến, vẫn nhởn nhơ hoạt động và không hề hấn gì cả! Nguy hiểm nhất là phát sinh cái tâm lý: chẳng ai dại gì đi làm điều bất thường đi ngược đám đông cho nhọc!

Biểu hiện trung thực sẽ trở nên bất thường và bị coi là “hàng hiếm” trong một bối cảnh người ta sẵn sàng thỏa hiệp và sống chung với sự giả dối. Sự liêm khiết và trách nhiệm với người khác sẽ bị coi là bất thường và đầy thử thách nếu như bối cảnh mà nó tồn tại lại ưu tiên chấp nhận, dung dưỡng phổ biến những thứ vô liêm sỉ và lãnh đạm. Người tài được trọng dụng để đóng góp cho xã hội lẽ ra là điều bình thường trong một xã hội cởi mở và phát triển, nhưng lại trở nên bất thường hết sức trong một không gian mà những người có quyền lực tạo ra một thứ “luật chơi riêng”... không có chỗ cho điều bình thường được là bình thường đúng nghĩa.

Những điều trên là nguyên nhân của sự đi xuống, đảo ngược của mọi giá trị và tạo ra hệ lụy ngáng trở sự phát triển bình thường của xã hội.

Để được trở về... bình thường thực sự, sao mà khó đến vậy?