Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Từ những khu vườn chiều thẳng đứng

Nguyễn Vinh

(TBKTSG) -  “Tặng giống cây trồng, phân bón rau sạch, thiết bị làm vườn. Chúng tôi cam kết chỉ sau 25 ngày giao giống thì khách hàng đã có rau ăn hàng ngày!”. Đó là đoạn quảng cáo trên một trang web cung cấp giải pháp rau sạch tại nhà, địa chỉ đặt tại quận Bình Thạnh, TPHCM.

Trang web nói trên chuyên cung cấp thiết kế, thi công, chuyển giao kỹ thuật và phương tiện trồng rau cho những gia đình thị dân muốn tự làm ra rau sạch để ăn. Khay nhựa, bay xới đất, giàn thép đứng, đất sạch, phân trùn quế, phân hữu cơ... tỉ mỉ, đủ thứ “đồ nghề” cho những ai muốn có mảnh vườn để giải quyết vấn đề tâm lý hoài nghi rau bẩn, rau hóa chất trên thị trường.

Thử tìm trên mạng, có đến cả chục trang web như trên, được đặt những cái tên khá trực tiếp: vườn rau sạch tại nhà, tự trồng rau tại nhà, thủy canh gwall,... Và cũng đọc trong nhóm nội dung này, sẽ nhận thấy có những cô cậu sinh viên mới ra trường đã đưa việc trồng rau sạch tại gia vào các ý tưởng khởi nghiệp khả thi.

Báo chí cách đây ít lâu đưa thông tin về một sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội mỗi tháng thu hàng trăm triệu đồng nhờ cung cấp giải pháp trồng rau sạch tại nhà. Báo chí cũng từng giới thiệu cô gái trẻ gốc Lâm Đồng xuống Sài Gòn làm giàu nhờ kinh doanh cung cấp khay rau sạch đến tận nơi, cho thuê đất trồng rau, xây dựng mô hình vườn rau mini trong từng hộ gia đình...

Kể ra, trong bối cảnh niềm tin vào chất lượng rau trên thị trường đang sa sút, thì đây là những ý tưởng kinh doanh thú vị. Một vườn rau trên sân thượng, ban công nhà phố đôi khi không chỉ dừng lại ở nhu cầu về thực phẩm sạch, mà với nhiều người, là nhu cầu tìm đến sự thư giãn, cân bằng trong một đời sống đô thị bức bối.

Chữa lành cho tâm hồn từ việc làm nông, hóa ra không nằm ở đâu xa, mà là biết cách chăm chút cho màu xanh ở chính nơi mình sống.

Trong câu chuyện với một người bạn tự nhận gia đình mình tự cung tự cấp rau sạch bốn mùa từ khoảng sân thượng 16 mét vuông, có nhiều điều làm tôi thấy bất ngờ. Với anh bạn, mảnh vườn nhỏ ấy mang lại nhiều điều quý giá. Thứ quý giá nhất đó là dạy cho bọn trẻ trong nhà biết cách tự tay chăm bón, làm ra hoa quả để ăn hàng ngày, biết ý thức không phung phí thành quả lao động của mình và người khác... “Ta đã xa những cánh đồng lớn trong ký ức và chỉ có thể tạo ra những cánh đồng nhỏ để tìm lại sự thư thái có thể, chữa lành cho tâm hồn”. Cách nói văn hoa bóng bẩy đó, hẳn là được đúc kết từ những ngày cùng con vun vén, xới trộn đất đai, qua chia sẻ công việc thì tìm thấy sự gắn kết của các thành viên trong gia đình, cùng chờ những mầm cây lớn lên và đón nhận thành quả là những bữa ăn đầy yên tâm.

Âm thầm như thế, những vườn rau mọc lên ở bất cứ nơi đâu có thể, trong thành phố. Là chân cầu, khoảng đất trống chưa kịp bê tông hóa, là vài chậu cây trước nhà tranh thủ cắm giàn để đến mùa lúc lỉu bí bầu, là những ban công, sân thượng xanh mướt với rau thơm, rau muống, rau cải,... Đất được chăm chút, giữ gìn, cải tạo dinh dưỡng liên tục, nước được tận dụng không hoang phí. Càng eo hẹp về không gian, có vẻ như con người ta càng biết cách để làm sao cho thật hiệu quả.

Người kinh doanh, cung cấp dịch vụ, chuyển giao kỹ thuật ăn nên làm ra, người sử dụng dịch vụ, nhân rộng mô hình làm nông tại gia thấy đây là giải pháp sinh lợi, cái lợi trong từng bữa ăn không lo lắng cho đến cái lợi trong tinh thần, trong cách nhắc nhở nhau về một thái độ sống tích cực, hướng đến sự cân bằng, thư thái và có trách nhiệm với không gian, với tha nhân, với bản thân.