Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Quan hệ thân hữu bóp chết việc làm ăn chân chính

CHÂN LUẬN

(PL)- Cảnh báo tình trạng “thương mại hóa quan hệ với Nhà nước” với một số ưu đãi ngầm.

Doanh nghiệp (DN) chỉ cần cơ chế minh bạch để được cạnh tranh bình đẳng; quan hệ thân hữu khiến DN kém phát triển.

Trên đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo quốc tế với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… vừa tổ chức tại Hà Nội.

“Chẳng có tài cán gì”

Sau khi trình bày những ý kiến trong bản tham luận được in trong tài liệu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), nhấn mạnh: “Dấu hiệu đáng suy nghĩ là DN nào tiếp cận và quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai và thể chế. Điều này làm cho các DN khác bị áp đảo, thiệt thòi. Và điều đáng lo ngại là nhiều DN đã đi theo xu hướng này” - ông Nam cảnh báo.

Theo một khảo sát của Hiệp hội DNNVV mới đây, khi đề cập đến những mối quan hệ thân hữu nhiều DN cho rằng đó là “chuyện người khác”, là “lộc” mà các DN khác được ban tặng.

Tuy vậy, theo ông Nam, đã có không ít DN phản ứng lại những biểu hiện này và cho rằng các DN đi theo xu hướng trên chủ yếu là lo lót, chạy chọt… chứ bản thân họ chẳng có tài cán gì.

“Các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét sự bức xúc này, từ đó để đánh giá những hành vi kinh doanh và có giải pháp phù hợp” - ông Nam nêu ý kiến.

Đồng tình, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cũng cảnh báo về tình trạng “thương mại hóa quan hệ với Nhà nước” với một số ưu đãi ngầm. Theo ông Đoàn, việc thương mại hóa quan hệ với nhà nước sẽ khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền chứ không phải dựa vào năng lực thực sự và nỗ lực của DN.

“Tình trạng này làm cho DN tư nhân rất khó phát triển, kể cả khi họ hoạt động hiệu quả” - ông Đoàn nêu thực tế.

Nhất trí với những ý kiến trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết thêm chi phí chính thức đã lớn, chi phí phi chính thức lại càng lớn hơn.

Đừng kiếm lợi nhuận bằng sự bất minh

Liệu có cách gì để khắc phục tình trạng quan hệ thân hữu đang kìm hãm, thậm chí bóp nghẹt sự phát triển của các DN chân chính hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đình Đoàn nhận định nếu để quan hệ thân hữu tiếp tục phát triển, loanh quanh với sự ưu ái, nuông chiều thì nó thực sự làm tổn hại tới động lực phát triển lành mạnh của cả nền kinh tế Việt Nam.

“Chìa khóa để giải quyết bài toán quan hệ thân hữu là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, kể cả trong nội bộ các DN tư nhân và chống việc hình thành các nhóm lợi ích. Đồng thời Nhà nước phải dỡ bỏ mọi ưu đãi mang tính thiên vị trong tiếp cận đất đai, tài nguyên quốc gia, tín dụng, cơ hội mua sắm công hoặc đối xử ưu ái trong việc chống độc quyền và trong nghĩa vụ thuế” - ông Đoàn đề xuất.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Đoàn, Nhà nước cần chú trọng quan tâm định hướng hoạt động kinh doanh của các DN tư nhân lớn để tránh việc đổ vỡ phá sản, làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, tương tự như trường hợp một số tập đoàn nhà nước vừa qua.

Ông Tô Hoài Nam thì đề nghị song song với việc cung cấp thông tin pháp luật, các chương trình hỗ trợ thì cần công khai tiến độ các dự án ở trung ương để các DNNVV có thể tiếp cận.

“DNNVV hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong một môi trường bình đẳng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển. Có như thế thì họ mới tiến lên được” - ông Nam nhấn mạnh.

Về phía bản thân các DN, ông Vũ Tiến Lộc khuyến cáo cần phải thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. “Hãy tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính; DN phải đảm bảo sự minh bạch, liêm chính thay vì tìm những mối quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận bất minh. Có như thế mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới” - ông Lộc nói.
***

Chính phủ và DN đều phải thắng

Các chuyên gia Harvard khuyên rằng: Đối thoại giữa DN và nhà nước là để tìm kiếm, nâng cao năng lực quản trị của nhà nước, năng lực quản trị kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong khi chúng ta hay tổ chức đối thoại để lắng nghe khó khăn của DN. Cá nhân tôi không thích câu “tháo gỡ khó khăn cho DN” một chút nào. Tôi nghĩ cần phải đối thoại theo nguyên tắc win-win chứ không phải đối thoại để giải quyết những chuyện cụ thể. Cái đó cũng tốt thôi  nhưng vấn đề chính là phải đối thoại để thúc đẩy quá trình thực thi luật pháp. Chính phủ và DN đều phải thắng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng suất lao động.

Tất cả phải vì DN, phải phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Trưởng ban Kinh tế Trung ương

CHÂN LUẬN ghi

Nhiệm vụ và cũng là chức năng của thể chế hiện nay phải là phục vụ DN và chức năng này phải là chức năng quan trọng nhất. Chứ cứ hành DN là chết rồi. phải bỏ cơ chế xin-cho đi.

Hiện nay khuôn khổ pháp luật của ta đang ưu đãi quá nhiều cho DN nhà nước, còn DN tư nhân thì chả được ưu đãi gì.

TS VÕ ĐẠI LƯỢC, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương