Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Đồng ngoại tệ đẫm mồ hôi, nước mắt

ĐÀO TUẤN

LĐO - Ba hôm trước, bức ảnh nhóm công nhân người Việt đăng trên Facebook Người Việt Xa Xứ kèm theo chú thích “Phía sau những tờ đôla con gửi về” đã khiến dư luận lặng đi vì xúc động!

Một hành lang nhỏ hẹp tối tăm. Một hộp cơm nhỏ. Những khuôn mặt đen nhẻm. Những bộ đồ bảo hộ nhếch nhác. Những khuôn mặt mỏi mệt. Những trễ nải buông tuồng và cả chán nản ngay cả trong cái dáng ngồi. Họ là mũi tẹt da vàng chúng ta. Họ đang ở một nơi nào đó. Có thể là sa mạc ở Trung Đông! Một xưởng lao động nô lệ ở Nga. Một tàu cá khổ sai ở Bắc Mỹ. Và thứ mà họ bán, để có những đồng dollar gửi về nhà, chỉ đơn giản là mồ hôi!

159.000 người đã bấm like. 52.363 lượt chia sẻ. Hình như trong đó đầy tiếng thở dài. Và cả nước mắt nữa.

Chúng ta có con số hơn 90.000 lao động (trong đó khoảng 30.000 nữ) đầy kiêu hãnh trong các bản báo cáo tình hình xuất khẩu lao động cuối năm như một nỗ lực “tạo việc làm”. Chúng ta có các chương trình xuất khẩu lao động cho người nghèo, cho đồng bào thiểu số - như một biện pháp xóa đói giảm nghèo. Và chúng ta - kiên nhẫn vô bờ bến - xếp hàng “xin việc” khắp nơi. Những công việc chỉ cần mồ hôi, cần chân tay to. Những công việc, chẳng hạn - không một người Ả rập tự trọng nào muốn làm!

Nhưng vấn đề lại là những cái báo cáo thành tích đó.

Tôi nhớ tới bộ phim “Thời đại anh hùng” từng chiếu ở Việt Nam. Nhớ tới những giọt nước mắt Park Chung-hee trước nỗi khổ của người dân. Nhớ tới tuyên bố sau 10 năm nữa sẽ có nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc.

Và từ nỗi nhục ấy, từ quyết tâm ấy, đúng là từ một dân tộc “xin việc”, Hàn Quốc đã trở thành đất nước đi “cho việc”. Trong dòng người “xếp hàng xin việc” ấy, có người Việt Nam chúng ta.

Tôi nhớ tới Indonesia. Năm 2015, Chính phủ Indonesia đã quyết định chấm dứt chương trình đưa người giúp việc sang Trung Đông do những quan ngại về điều kiện làm việc và nạn ngược đãi! Indonesia thậm chí còn tính chuyện cấm hẳn, không cho phụ nữ ra nước ngoài làm osin để bảo vệ “phẩm hạnh và lòng tự tôn quốc gia”.

Có thể, xuất khẩu lao động trong ngắn hạn vẫn là một biện pháp giải quyết việc làm. Có thể, chúng ta vẫn lẳng lặng, bàng quan với thực tế xuất khẩu cô dâu. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy ở đó những con số việc làm, những đồng ngoại tệ đẫm mồ hôi nước mắt để làm dày thêm ngân khố quốc gia mà không nhìn thấy ở đó những vấn đề thật lớn, thì biết bao giờ chúng ta mới tiến lên được (?!).