Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Cái cần thì không có

Lê Tư

VNExp - Tôi làm việc cho một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí. Gần đây, do nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, chúng tôi tuyển dụng rất nhiều vị trí.

Mặc dù thông tin tuyển dụng được đăng trên nhiều kênh, yêu cầu về chuyên môn không quá khắt khe, mức lương khởi điểm cao hơn mặt bằng chung và bộ phận nhân sự đã đưa ra nhiều ''chiêu'' để hấp dẫn ứng viên; sau vài tháng, chúng tôi nhận được không đủ số hồ sơ đáp ứng được nhu cầu.

Vì vậy, khi biết thông tin mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó nêu rõ có tới 225.500 cử nhân và thạc sĩ đang bị thất nghiệp, chưa kể tới hơn 117.000 người tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp các ngành, tôi thoáng giật mình. Phải chăng có sai sót nào đó trong công ty của chúng tôi làm cho các ứng viên không mặn mà? Tuy nhiên, thoáng giật mình đó mau chóng trôi qua khi tôi nhớ lại kinh nghiệm phỏng vấn ứng viên của mình.

Làm việc ở vai trò quản lý nhiều năm, tôi có nhiều dịp phỏng vấn các ứng viên. Có nhiều người không biết phải làm cái Hồ sơ xin việc (CV) như thế nào. Có người bằng cấp rất đẹp, điểm các môn học cao chót vót, nhưng khi phỏng vấn thì không thể nói một câu cho đĩnh đạc. Có vài người có chút khả năng cũng như kỹ năng sống thì lại quá tự tin, đề xuất cho mình những thứ mà nhẽ ra họ phải nỗ lực làm việc nhiều năm mới có được.

Tôi trao đổi chuyện này với các bạn bè của tôi, là chủ các doanh nghiệp, thì đều nhận được câu trả lời như nhau rằng, việc cần người rất nhiều, nhưng người phù hợp công việc lại quá thiếu. Các doanh nghiệp hiện nay chịu nhiều áp lực kinh doanh nên họ chỉ muốn tuyển người có thể làm việc được ngay mà không cần phải tốn thời gian đào tạo lại. Trong khi đó, nhiều cử nhân, thạc sĩ mới ra trường ở ta còn rất ngây ngô. Thậm chí có người tốt nghiệp loại giỏi nhưng không rành kỹ năng tin học văn phòng, không biết cả cách sử dụng công cụ tra cứu Google để tìm tài liệu cần thiết cho công ty. Có lần tôi nhờ cô nhân viên mới soạn thảo một văn bản mà cô phải sửa đi sửa lại nhiều lần, cuối cùng tôi nản quá đành cho nghỉ việc.

Ngoại ngữ là một vấn đề khác. Tôi biết rằng đem so trình độ ngoại ngữ của sinh viên nước ta với sinh viên nước ngoài là không thể. Nhưng việc học giao tiếp đơn giản cũng không khó đến mức phần lớn ứng viên không đáp ứng được. Trong thời đại này, việc không biết ngoại ngữ chắc chắn là một khiếm khuyết rất lớn trong hồ sơ xin việc của các bạn trẻ. Tôi nghĩ các bạn cũng ý thức được việc này nhưng không hiểu sao họ không dành thời gian cho nó.

Chê trách cử nhân, thạc sĩ nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến vai trò của các cơ sở đào tạo, các bậc phụ huynh và những nhà hoạch định nguồn nhân lực. Việc thu nhận sinh viên ồ ạt, đánh vào tâm lý sính đại học của dân ta làm cho chất lượng tuyển sinh đầu vào rất kém. Các bậc phụ huynh thay vì định hướng nghề nghiệp phù hợp với mong muốn và khả năng của con em mình lại cố hết sức để cho con được học đại học, thỏa khao khát bằng cấp dù tương lai con em mịt mù phía trước.

Những người đáng ra chỉ đủ khả năng đi học nghề nay cũng thành cử nhân rồi không biết làm gì lại học tiếp lên thạc sĩ, làm cho số cử nhân, thạc sĩ có trình độ thấp ngày càng nhiều. Nhiều ngành nghề có nhu cầu cao thì chỉ tiêu tuyển sinh lại rất ít. Trong khi đó những ngành nghề như Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng... lại quá nhiều. Từ đó dẫn tới tình trạng, lao động tay nghề cao quá thiếu, còn các ông bà cử phải giấu bằng đi để xin làm lao động phổ thông thì ngày càng nhiều.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận xét: Nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Điều này nghe qua có vẻ như là một nghịch lý. Nhưng cá nhân tôi thấy chuyện không có gì lạ.

Trở lại với câu chuyện công ty tôi, dù chưa tuyển đủ, chúng tôi chắc chắn không thể thay đổi tiêu chí. Tuyển một người lao động không làm được việc không chỉ tốn kém mà còn gây rất nhiều phiền phức.

225.500 cử nhân và thạc sĩ, nếu muốn hết thất nghiệp, trước hết phải hiểu rằng, ngoài cái bạn có (bằng cấp), phải mang đến cho nhà tuyển dụng cái họ cần.