Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Ngoại lệ không có nghĩa là tùy tiện

Ngô Việt Hòa

(TBKTSG) - Các nguyên tắc thường có ngoại lệ và việc quy định các ngoại lệ có thể cần thiết để đảm bảo tính linh hoạt. Nhưng một khi đã cho phép ngoại lệ thì cần quy định rõ các tiêu chí, quy trình, cơ chế giám sát để các trường hợp ngoại lệ được xem xét, chấp thuận một cách công bằng, minh bạch.

Từ chuyện xin nhập toa tàu cũ

Trao đổi với báo chí sau khi có tin bị cách chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, ông Nguyễn Viết Hiệp đã đưa ra một thông tin đáng chú ý. Đại ý ông nói Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cũng biết là nhập khẩu toa tàu cũ quá năm tuổi nhất định có thể trái với quy định của pháp luật, vì thế công ty mong được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ vướng mắc để có thể nhập các toa tàu này.

Trong công văn gửi các bộ (được đăng tải trên mạng Internet), Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cũng dành nhiều diện tích để liệt kê hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Trong đó, dường như họ tập trung nhấn mạnh đến văn bản gần nhất là Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ (sẽ có hiệu lực vào 1-7-2016) về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Cũng tại công văn này, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã làm lơ, không đề cập một quy định rất rõ ràng tại điều 6.1(a) của Thông tư 23. Theo đó, để được phép nhập khẩu vào Việt Nam, tuổi thiết bị đã qua sử dụng không được quá 10 năm. Không đề cập trực tiếp bởi lẽ chính quy định này có thể khiến kế hoạch nhập các toa tàu cũ khó thành hiện thực.

Vậy Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội mong chờ điều gì từ hướng dẫn của các bộ khi gửi công văn nói trên?

Thông tư 23 có một quy định xử lý các trường hợp ngoại lệ là không áp dụng trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu (điều 1.2(h)). Nói cách khác, có thể hiểu rằng trong trường hợp thiết bị đã qua sử dụng dù tuổi lớn hơn 10 năm hoặc không thỏa mãn một số điều kiện khác vẫn có thể được nhập khẩu nếu Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Hoặc một ngoại lệ khác. Điều 13 quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có thể quyết định cho phép nhập khẩu các thiết bị có tuổi vượt quá 10 năm nếu bộ cho rằng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dù không nói thẳng ra, nhưng rất có thể Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội mong muốn các bộ có liên quan “tháo gỡ khó khăn” theo hướng đề xuất Chính phủ hoặc Thủ tướng xem xét chấp thuận kế hoạch nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm theo quy định ngoại lệ nói trên hoặc chính Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi trao đổi với các bộ khác nhất trí áp dụng điều 13.

Điều này có nghĩa là Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội có thể sẽ có cơ hội biến kế hoạch nhập khẩu toa xe cũ trở nên khả thi và hợp pháp.

Coi chừng bị lợi dụng

Quy định trao quyền quyết định một số trường hợp ngoại lệ cho một tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như trường hợp của Thông tư 23 là một kỹ thuật lập pháp mà các nhà làm luật thường sử dụng để đảm bảo tính linh hoạt, hợp lý trong việc áp dụng pháp luật. Nhưng linh hoạt có thể và thường đi kèm với sự tùy tiện vận dụng có thể đi đôi với lợi dụng.

Chưa nói đến sự câu kết giữa những người có thẩm quyền và các nhóm lợi ích, sự tùy tiện còn được “dung túng” bởi chính bản thân cách thức thiết kế các quy định ngoại lệ.

Ví dụ Thông tư 23 đã dẫn, dù trao cho Chính phủ, Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyền quyết định các trường hợp nhập khẩu ngoại lệ nhưng văn bản này lại không quy định tiêu chí, quy trình, thủ tục mà những người có thẩm quyền lấy làm căn cứ để đưa ra quyết định.

Chính phủ hoặc Thủ tướng, do đó, chắc sẽ phải căn cứ phần nhiều vào giải trình chủ quan của tổ chức, cá nhân đề nghị về phương án kinh doanh, nhập khẩu cũng như quan điểm của các cơ quan tham mưu (các bộ) để đưa ra quyết định. Và tất nhiên, các báo cáo, giải trình này hoàn toàn có thể không khách quan do nó được chuẩn bị và trình bày bởi chính bên có lợi ích hoặc cơ quan chủ quản của bên có lợi ích.

Một vấn đề nữa là chưa có cơ chế giám sát người có thẩm quyền ra quyết định, liệu họ ra quyết định về các trường hợp ngoại lệ một cách khách quan, công bằng không? Tất nhiên, một khi không có tiêu chí đánh giá thì dù có cơ chế giám sát cũng khó mà thực hiện được. Người giám sát làm gì có căn cứ để đánh giá tính khách quan và cần thiết áp dụng trường hợp ngoại lệ của người có thẩm quyền.

Một câu chuyện khác. Cách đây không lâu, trong một hội thảo về Luật Đấu thầu, có ý kiến cho rằng hình thức chỉ định thầu về bản chất có phải là hoạt động đấu thầu đâu mà đưa vào Luật Đấu thầu. Chỉ định thầu là việc nhà thầu được chọn trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền, không thông qua việc cạnh tranh với các nhà thầu khác. Chỉ định thầu được cho phép trong một số trường hợp đặc biệt như vì lý do quốc phòng, an ninh, an toàn, tương thích công nghệ.

Thực tế cho thấy hình thức chỉ định thầu đang bị lạm dụng và có nhiều tiêu cực phát sinh. Điều này được cho là bởi các trường hợp, tiêu chí được áp dụng hình thức chỉ định thầu không đủ cụ thể, dễ bị lợi dụng và quy trình, thủ tục áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư này còn thiếu chặt chẽ. Thế nhưng, đằng sau đó có lẽ là do các nhà làm luật đã “chủ quan”, nới lỏng các tiêu chuẩn, quy định vì coi chỉ định thầu là trường hợp ngoại lệ, trường hợp đặc biệt nên cần “ưu tiên”.