Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Ngừng gói 30.000 tỷ đồng: Đã theo kinh tế thị trường, sao cứ đòi bao cấp mãi thế?

An Ngọc - Theo Trí thức trẻ

Cafef - Gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện xong nhiệm vụ là góp phần giải quyết cục máu đông của thị trường bất động sản, nên về lâu dài việc hỗ trợ nhà ở cho người dân cần có sự tham gia của Ngân hàng chính sách xã hội.

Ví von tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng như “xe phải chạy ngon thì mới chạy được”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho rằng không nên lo sợ việc giải ngân ảo trong thời điểm cuối của gói hỗ trợ.

Dẫn chứng, tốc độ giải ngân của năm sau thường nhanh hơn năm trước. Sau 30 tháng, giải ngân được khoảng 70% và riêng 6 tháng còn lại tốc độ giải ngân đạt 20 – 22%. Như vậy, sau 3 năm mức độ giải ngân lên đến 90% được ông Kiên đánh giá là đạt yêu cầu.

Trước những băn khoăn của người dân về việc từ sau ngày 1/6 tới đây, những khoản vay mới sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi như trước đây, TS. Kiên đặt câu hỏi: Tại sao người dân không chủ động tìm các dự án trước đây; hoặc tìm các gói vay theo thời hạn 36 tháng như yêu cầu của gói 30.000 tỷ.

“Tại sao không làm được lại bắt Nhà nước lo? Người mua nhà phải có trách nhiệm với gói vay của mình chứ Nhà nước không thể lo cho người dân như thời chủ nghĩa xã hội được. Những điều khoản đã ghi ngay trong hợp đồng rồi” – ông Kiên đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, gói 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%.

Do đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Mục đích là nhằm khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế.

“Như vậy, đến nay gói 30 nghìn tỷ đã hết thời hạn. “Cục máu đông” bất động sản cũng đã được giải quyết nên vai trò của gói này đã hoàn thành. Nếu người dân không thay đổi, không cập nhật tình hình và giữ thói quen cũ thì không thể được. Nhà nước không thể lo mãi được” – TS. Kiên thẳng thắn chỉ ra.

Theo đó, TS. Kiên cho rằng gói hỗ trợ nhà ở phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản để Nhà nước phải tung ra một gói mới hoặc kéo dài gói đó ra, gây ra bất ổn về vĩ mô.

Đồng thời, khi người dân đã mua, đã ký hợp đồng, cần phải biết thời hạn khoản vay là bao nhiêu, tức là phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ, phải thảo luận hợp đồng bán nhà với người bán. Người bán phải chia sẻ lợi nhuận lãi suất cho người mua chứ không phải dồn tất cả chi phí cho Nhà nước. TS. Kiên cho rằng tiền hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng là tiền thuế của Nhà nước nên không thể đòi hỏi tất cả người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được.

Đồng thời, TS. Kiên cho rằng với chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo cần phải nhờ đến Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện nay Ngân hàng chính sách xã hội có vốn lớn rất nhiều, có thể đưa ra thỏa thuận có thời hạn dài để hỗ trợ tốt hơn cho người dân.

“Cần có chính sách thử nghiệm, để tiếp tục khơi thông dòng chảy cho tín dụng cho bất động sản. Có giải pháp mang tính dài lâu, có tính định chế trong xã hội chứ không còn mang tính ngắn hạn, theo tính chủ quan của một nhóm người thì sẽ tốt hơn nhiều” – TS. Kiên khuyến cáo.

Đối với trường hợp những người mua nhà còn những khoản chưa giải ngân, ông Kiên cho rằng cần trao đổi lại với chủ đầu tư, ngân hàng. Hoặc có thể cầm hợp đồng sang ngân hàng chính sách xã hội để có một khoản vay khác, bù lại cho khoản này. Bởi theo ông Kiên, các quy định ta đã cho phép điều này.