Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Thoái vốn “khủng” tại Bộ GTVT, có mơ hồ đáng ngờ?

Nguyễn Quang A

(Dân Việt) Dư luận đang ngạc nhiên với đợt thoái vốn ồ ạt của các Tổng công ty (TCT) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vì chỉ riêng tháng 1.2016 số vốn được thoái ở các tổng công ty thuộc Bộ này được báo chí phản ánh lên đến 2 nghìn tỷ đồng, gần bằng cả năm 2015.

Chỉ riêng tháng 1.2016, số vốn được thoái tại các TCT thuộc Bộ GTVT lên đến 2 nghìn tỷ đồng, gần bằng con số của cả năm 2015 (khoảng 2.400 tỷ đồng). Bộ GTVT đã thoái 100% số vốn Nhà nước tại một loạt các TCT như: thoái 100% vốn Nhà nước tại Cienco6 với 457 tỷ đồng; Cienco5: 212 tỷ đồng - 23% vốn Nhà nước; Vinamotor: 1.250 tỷ đồng - 98% vốn Nhà nước. Dự kiến đến hết quý I/2016 sẽ thoái 100% vốn tại 10 TCT đã được cổ phần hóa năm 2014 (khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng vượt mức cả năm 2015).

Theo Bộ GTVT, hầu hết các đơn vị thực hiện hình thức thoái vốn theo lô nhằm tạo cơ hội tự quyết cho doanh nghiệp (doanh nghiệp chủ động hoàn toàn và không phải xin ý kiến chủ sở hữu).

Câu hỏi dư luận đang đặt ra là cách thoái vốn trên của Bộ GTVT có đúng và có thể có các hệ quả gì trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay? Bởi thoái vốn cần được hiểu là một hình thức của tư nhân hóa. Một doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa nếu nhà nước bán một phần hay toàn bộ sở hữu doanh nghiệp cho các chủ sở hữu tư nhân (trong hay ngoài nước). Nhà nước không thiệt gì nếu tư nhân hóa được tiến hành công khai minh bạch theo giá thị trường, vì tài sản nhà nước không thay đổi mà chỉ chuyển từ dạng quyền sở hữu doanh nghiệp sang tiền.

Nhà nước bán một phần hay toàn bộ doanh nghiệp để lấy tiền cho nhà nước (thu vào kho bạc nhà nước để đầu tư, trả nợ…).

Vấn đề ở đây là giá bán thế nào là hợp lý, là giá thị trường? Tài sản sổ sách (tiền mặt, giá trị máy móc, nhà xưởng, đất đai sau khi đã trừ hết nợ với bên thứ ba) của công ty là một cơ sở để tính giá, nhưng giá trị doanh nghiệp có thể gấp rất nhiều lần giá trị sổ sách (tính cả cơ hội làm ăn, mối quan hệ khách hàng, bạn hàng…) nhưng cũng có thể thấp hơn (vì giá trị máy móc nhà xưởng có thể không còn được như giá trị sổ sách).

Nếu có thị trường mua bán doanh nghiệp thì thị trường sẽ quyết định giá đó. Một khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thì việc bán cổ phần thu tiền đầu tư về (có thể có lãi, có khi khi lỗ cũng phải bán vì bí tiền hay vì có thể dùng tiền đó đầu tư vào nơi khác lợi hơn); cách rút vốn qua bán cổ phần như vậy được gọi là thoái vốn. Đây là cách tư nhân hóa tốt nếu sử dụng khéo thị trường chứng khoán.

Soi vào đây có thể thấy cách tư nhân hóa các TCT của Bộ GTVT được tiến hành theo cách thoái vốn là tốt, song vẫn còn có 3 điểm có thể gây lo ngại và cần lưu ý. Thứ nhất, tiền thu được khi bán (thoái vốn) "chảy" vào đâu? Quyết định Số 51/2014/QĐ-TTg (ngày 15.9.2014 của Thủ tướng Chính phủ) quy định chi tiết về việc thoái vốn, nhưng đọc kỹ không hiểu tiền thu được chảy vào đâu(?). Cá nhân người viết cho rằng, đây là khoản thu do bán tài sản nhà nước nên phải là khoản thu ngân sách và phải được kho bạc nhà nước quản lý (song trong quyết định trên không thấy kho bạc nhà nước ở đâu?).

Thứ hai, nếu Bộ GTVT nói để cho doanh nghiệp tự chủ và hoàn toàn không cần xin ý kiến chủ sở hữu khi thoái vốn lại là "một sự mơ hồ đáng ngờ". Ai có quyền bán tài sản (phần vốn) của chủ sở hữu nếu không phải là chủ sở hữu? Cần phân biệt rõ giữa doanh nghiệp (mà nhà nước đang muốn bán một phần hay toàn bộ) với bản thân doanh nghiệp (được quản lý bởi những người làm thuê). Nếu không làm rõ việc này, nhất là khi thoái vốn theo lô, rất có thể có những khuyến khích để các nhà quản lý “làm bậy” gây thiệt hại cho chủ sở hữu (nhà nước).

Cuối cùng, tất cả các khoản vốn thoái đó phải được công khai minh bạch (báo cáo của doanh nghiệp, giá bán, người mua, tiền thu về làm gì…) để cho các “ông chủ đích thực”, nhân dân được biết và có thể kiểm tra (dẫu nếu do ngân sách eo hẹp phải bán để bù cho thâm hụt ngân sách cũng phải nói rõ cho dân biết).
***

Trao đổi trên báo GTVT mới đây, ông Vũ Anh Minh-Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết: Nếu đợt thoái vốn trong năm 2015 chủ yếu là từ các công ty con và số vốn được thoái chuyển về các công ty mẹ thì đợt thoái vốn trong tháng 1.2016 và quý I/2016 sắp tới là từ các công ty mẹ và nguồn vốn thu được nộp về Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Với hai đợt thoái vốn lần này, cơ bản các Tổng công ty thực hiện CPH trong năm 2014 của Bộ GTVT đã không còn vốn Nhà nước.