(GDVN) - Trước sự đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên thấy áp lực, mệt mỏi vì nhiều cuộc thi, cách đánh giá.
LTS: Gần đây, có nhiều ý kiến phản ánh thực trạng “các hội thi” ở trường học. Nó thể hiện sự bức xúc của giáo viên vì tính hình thức, vì sự tôn vinh chưa thực sự xứng đáng, vì áp lực nặng nề khiến nhiều thầy cô ngán ngẩm với các Hội thi của ngành.
Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra những tiêu cực nảy sinh trong nhà trường khi các Hội thi diễn ra đồng thời tác giả mạnh dạn đưa ra biện pháp khắc phục.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Giáo án có cần thiết nữa không?
Trước đây khi công nghệ thông tin chưa phát triển, thầy cô phải giáo án bằng viết tay, rất vất vả, tốn nhiều công sức, mất thời gian.
Soạn và dạy nhiều lần, nhiều năm, có giáo viên thuộc lòng luôn cả giáo án, chương trình giảng dạy.
Có thầy cô giáo siêng năng, kỹ lưỡng, dạy đến đâu soạn đến đến đó, khi có kiểm tra, thanh tra của tổ, nhà trường hoặc cấp trên thì được đánh giá cao.
Có thầy cô giáo lười biếng, làm quy trình ngược, dạy xong rồi mới soạn giáo án, đến mùa kiểm tra phải “vắt chân lên cổ” để bổ sung, để đối phó.
Ngày nay, khi đã có công nghệ thông tin mà cấp trên lại cho giáo viên lựa chọn có thể soạn giáo án bằng viết tay hoặc trên máy tính nên công việc đỡ vất vả hơn nhiều.
Bởi giáo viên chỉ cần soạn kỹ lưỡng 1 lần mà năm sau vẫn dạy lại chương trình đó thì trước khi dạy chỉ cần bật máy tính lên chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp rồi in ra là được.
Và việc soạn giáo án trên máy tính đã dần giúp nhiều giáo viên lớn tuổi tiếp cận với công nghệ thông tin, không còn lạc hậu, lỗi thời nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh coi giáo án trên mạng là một kênh tham khảo thì kể từ khi soạn giáo án trên máy tính khiến nhiều giáo viên lười biếng hơn. Bởi chỉ cần vài thao tác trên máy tính là có thể bê nguyên xi về, in ra để dạy, để đối phó với cấp trên khi kiểm tra.
Khi cấp trên kiểm tra giáo án của giáo viên thì thật khó để phân biệt được giáo án nào là đi “ăn cắp”, giáo án nào là tự làm. Vì tất cả đều được đóng thành tập, trình bày sạch sẽ, đầy đủ các bước.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ việc soạn và kiểm tra giáo án. Nhưng rõ ràng, giáo án là công cụ, là phương tiện quan trọng nhất của người giáo viên, tại sao lại bỏ?
Việc soạn giáo dù ở hình thức viết tay hay đánh máy vi tính thì vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học. Nó thể hiện trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà giáo và thể hiện chất lượng bài giảng.
Nếu bỏ hẳn việc soạn giáo án hay lên lớp bằng giáo án không phải do mình soạn chính là người giáo viên đang đi ngược lại với hoạt động khoa học giáo dục, cần lên án.
Tại sao giáo viên căm ghét, phản bác các Hội thi?
Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã cải tiến, điều chỉnh cách thức tổ chức trong các Hội thi dành cho giáo viên từ thời gian tổ chức, đổi mới bài kiểm tra năng lực, số tiết dạy trên lớp, chấm sáng kiến kinh nghiệm/đề tài.
Đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá là rất cần thiết đối với hoạt động sư phạm, dạy học của giáo viên. Là sân chơi bổ ích để giáo viên học hỏi kinh nghiệm, phương pháp dạy học từ đồng nghiệp, góp ý từ ban giám khảo.
Khi đạt thành tích, thầy cô được vinh danh, khen thưởng thậm chí là nâng ngạch lương trước thời hạn, được tham gia vào Hội đồng chuyên môn của Phòng, Sở GD&ĐT…
Tuy nhiên, ở một số địa phương khi công tác tuyên truyền, khâu tổ chức chưa được thực hiện tốt, còn tiêu cực, thiếu công tâm…khiến giáo viên bức xúc nhất là số giáo viên bị trượt.
Cứ thế truyền tai nhau về bức xúc ấy khiến nhiều giáo viên từ già đến trẻ đã đi thi hoặc chưa đi thi đều không mấy thiện cảm về Hội thi giáo viên dạy giỏi nên họ thường hay đùn đẩy, né tránh tham gia khiến cán bộ quản lý đau đầu để “bắt” họ đi thi.
Theo tôi, để Hội thi có ý nghĩa này hạn chế tiêu cực nảy sinh thì nhà trường cần thay đổi, điều chỉnh về nhận thức và cách tổ chức.
Thứ nhất, Ban giám hiệu nên động viên, khuyến khích giáo viên đi thi, ai không muốn đi thì thôi, tuyệt đối không nên bắt buộc.
Bởi theo Thông tư 21/ 2010/TT-BGDĐT hướng dẫn Hội thi giáo viên giỏi thì không có quy định bắt buộc.
Thứ hai, các tiết dạy thực hành trên lớp nên điều chỉnh theo hướng dự giờ đột xuất tại trường, không báo trước.
Cách làm này sẽ đánh giá được thực chất hơn, tránh được chuyện “luyện gà”, “đóng kịch” và hạn chế được những mối quan hệ nhờ vả…
Còn các bài thi kiểm tra về năng lực kiến thức, phương pháp dạy học và sáng kiến kinh nghiệm/đề tài thì vẫn giữ nguyên theo quy định.
Thứ ba, cuối năm khi công bố kết quả, ai đạt giải cao có hình thức khen thưởng xứng đáng như chuyển, thăng chức ngạch.
Khi gắn kết quả hội thi với quyền lợi thiết thực của giáo viên thì tức khắc chất lượng hội thi và số lượng người đăng kí tham gia sẽ khác hẳn.