(TBKTSG Online) - Một học sinh lớp 6 đọc viết không thành thạo phải nghỉ học vì xấu hổ khi bị chuyển xuống lớp 1 học lại. Một đứa trẻ đang đạp xe nô đùa với bạn rồi ngã vào miếng tôn bén, bị cứa cổ, thiệt mạng. Một học sinh lớp 8 tự tử do bị bạn bắt nạt, bị quay clip tung lên Facebook... Ba câu chuyện đau lòng mà nạn nhân là trẻ em đã diễn ra trong chưa đầy một tháng qua.
Ba câu chuyện đều có một điểm chung: bằng cách này hay cách khác, bởi người này hoặc người kia, trẻ em đã bị tổn thương. Những đứa trẻ mong manh, cần sự chở che đã trở thành nạn nhân bởi sự tắc trách, thờ ơ và cả lòng tham của người lớn.
Em học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng được đều đặn cho lên lớp bất chấp em đọc viết chưa thạo. Có thể giải nghĩa chuyện ngồi nhầm lớp được lặp đi lặp lại này như thế nào? Chuyện ham thành tích của nhà trường, sự thờ ơ của giáo viên hay sự thiếu hiểu biết, thiếu gần gũi của phụ huynh? Tất cả đều hiện diện trong câu chuyện đáng buồn này.
Đó không phải là một sơ suất vô ý. Không có ai báo động, không ai kêu lên hoặc cũng có thể ai đó đã nhận ra điều bất thường nhưng chọn cách im lặng trong suốt 5 năm. Trong suốt cấp tiểu học, em cô đơn ngay trong lớp của mình khi sự ưu ái về thi cử dành cho em thật ra xuất phát từ lợi ích của thầy cô và nhà trường. Nhà trường đã chấp nhận những thiếu vắng kiến thức của em để vẹn tròn thành tích của mình. Mọi nỗ lực cải cách giáo dục lúc này dường như vô nghĩa, bởi đối tượng thụ hưởng chính của các cải cách - học sinh – đã bị đẩy bật ra ngoài để nhường chỗ cho căn bệnh thành tích của người lớn. Kết cục, em học sinh lớp 6 ấy đã nghỉ học vì mặc cảm với bạn bè khi phải bắt đầu lại với chương trình lớp 1. Em sẽ vào đời mưu sinh với mớ kiến thức lõm bõm, con chữ chưa rành rọt.
Sự khiếm khuyết sẽ không chỉ dừng lại ở tri thức mà còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách. Trẻ em cần thấy được sự tử tế ngay từ khi còn nhỏ nhưng em học sinh này, trong suốt 5 năm - trên ghế nhà trường - lại nhìn thấy sự lừa dối của người lớn. Một cuộc đời đã chệch hướng như thế.
Nhưng ít ra, em học sinh ấy vẫn còn có cơ hội làm lại. Một em nhỏ khác đã mãi mãi không còn cơ hội lớn lên. Em chết vì một nguyên nhân mà chỉ nghe thôi cũng thấy uất ức và đầy sự vô lý: tử nạn khi ngã vào một tấm tôn sắc trong lúc đạp xe. Ai đó có thể cho rằng đây là một trường hợp xui xẻo. Nhưng sự xấu số ấy đâu phải ngẫu nhiên? Tại sao những tấm tôn sắc lẹm được lưu thông công khai trên các tuyến phố mặc cho sự nguy hiểm về mặt vật lý là hiển nhiên và có thể nhìn thấy rõ được bằng mắt thường?
Còn người dân đã làm gì? Chúng ta né tránh những khế ước văn minh về giao thông công cộng để phục vụ cho việc mưu sinh và sự tiện lợi của mình. Chúng ta sẵn sàng đậu xe lấn chiếm lòng đường, cũng như dửng dưng trước những tấm tôn bén nhọn. Chúng ta biện minh bằng hoàn cảnh để cung cấp và sử dụng những dịch vụ có thể ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Một sự việc nguy hiểm nhưng diễn ra công khai hằng ngày trở thành chuyện bình thường trên phố. Sinh mạng một đứa trẻ đã bị tước đoạt bởi sự tắc trách của cơ quan chức năng và cả sự cẩu thả, thờ ơ và thói quen sinh hoạt ích kỷ của cả một cộng đồng.
Điều gì ám ảnh hơn cái chết của một đứa trẻ? Đó là một đứa trẻ tự sát! Một học sinh lớp 8 ở Yên Bái mới đây đã tự tử sau khi video-clip em bị một phụ huynh của bạn đánh trước cổng trường, bắt quỳ trước mặt bạn bè... lan truyền trên mạng. Câu chuyện đầy những gam màu u tối với nạn bạo lực học đường, với những người trẻ vô cảm và cả chính người lớn, những người dẫu không có mặt tại hiện trường.
Một người chỉ kết thúc sinh mạng bản thân mình khi không còn cảm nhận được sự yêu thương và bảo vệ, chở che. Sự tự tin, lòng can đảm còn sót lại sau cuộc bạo hành của một đứa trẻ đang tuổi dậy thì đã bị cuốn trôi bởi những những lượt xem, lượt chia sẻ trên Facebook. Những đứa trẻ thấy cái ác diễn ra trước mặt mình thay vì bấm số gọi thầy cô, công an can thiệp thì lại dùng điện thoại ghi hình lại; những đứa trẻ thấy clip bạn mình bị đánh thay vì “report” để ngăn chặn phát tán, thay vì báo với người lớn thì lại còn góp sức cho lượt view tăng lên. Người lớn không thể kiểm soát mọi hành vi của con trẻ trên mạng xã hội nhưng trong chuỗi những hành động vô cảm này, không thể nói là không có lỗi của người lớn.
Đây không phải lần đầu tiên có một đứa trẻ tự tử vì bị làm nhục, một đứa trẻ bị ngồi “nhầm lớp” hay một đứa trẻ tử nạn trên phố bởi sự tắc trách. Các em đã không còn cơ hội để lớn lên, hoặc nếu có thì cũng vào đời với nhiều mất mát, khiếm khuyết. Mỗi ngày, chúng ta nỗ lực, làm mọi thứ để tạo ra của cải, cái đích sau cùng chính là để tạo ra một tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau. Nhưng sự giàu có cá nhân sẽ chỉ là vật trang trí nếu những thiết chế văn hóa và không gian sinh hoạt cộng đồng mà chúng ta dựng nên không đủ chở che cho con trẻ. Người lớn - trong khi vẫn quen thuộc với những khẩu hiệu như “Tất cả vì con em chúng ta”, thực sự đã ở đâu khi trẻ em cần họ? Chúng ta có thể thiếu vắng các hoạt động tư vấn tâm lý cho trẻ em bị hành hung, thiếu vắng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, thiếu sót cả trong tư duy giáo dục; nhưng đâu có nghĩa chúng ta thiếu đi sự tử tế để yêu thương, che chở cho những mầm non?