Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Bí thư Đinh La Thăng “truy” Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Lê Phương

Dân Trí - Sau khi nghe phần trả lời của Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn, Bí thư TPHCM Đinh La Thăng quay qua hỏi các em học sinh: “Nghe thầy Sơn trả lời các cháu hài lòng chưa?”. Ông Thăng nói tiếp “Đề nghị anh Sơn trả lời cụ thể hơn".

Trong buổi gặp gỡ với thiếu nhi TPHCM sáng 27/2, các học sinh phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động học tập như chương trình học, số liệu trên sách giáo khoa quá cũ. Em Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Gia Thiều, (Q. Tân Bình) cho rằng môn Giáo dục công dân vẫn mang tính lý thuyết, mong muốn dạy hơn những kỹ năng chứ không chỉ lý thuyết. Ngoài ra, em Hảo cũng cho biết rất thích thú với chương trình tích hợp đang học và đề nghị mở rộng chương trình này.

Bên cạnh đó các em còn ý kiến rằng thiếu chỗ cho học sinh học bơi, hoặc tình trạng thiếu phương tiện đưa đón học sinh đến trường. Em Lại Hữu Hoàng Lâm, trường Nguyễn Thái Bình (Q.12) cho biết mong muốn có các chuyến xe đưa đón học sinh hoặc mở phân hiệu để học sinh đi học an toàn hơn. Ngoài ra, học sinh còn phản ánh rằng tình trạng xe buýt chạy nhanh, thái độ phục vụ không tốt, bỏ tuyến bỏ trạm…

Đại diện ngành giáo dục thành phố, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ thêm thông tin trước sự quan tâm của học sinh. Theo ông Sơn, chương trình khung, quy định chương trình, sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên nhiều năm TP.HCM đã biên soạn các tài liệu, chỉ đạo phương pháp giảng dạy cho các thầy cô theo hướng giảm tải để tạo thích thú cho học sinh. Còn điểm số thì đây là cách đánh giá kết quả học tập của các em. Hiện nay ở cấp tiểu học thực hiện đánh giá theo cách nhận xét và tương lai sẽ có những thay đổi dần. Nếu đâu đó vẫn còn trường, lớp nặng nề việc này thì Sở sau khi lắng nghe ý kiến học sinh Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo. Việc giảm tải ở thành phố đã triển khai khắp thành phố chứ không riêng nội hay ngoại thành để làm sao học sinh nắm kiến thức để vận dụng. Các chương trình ngoại khóa, đi thực tế bên ngoài dù có nhưng có thể chưa phủ khắp các trường, Sở GD-ĐT sẽ cố gắng để hình thức này lan tỏa hơn.

Ông Sơn cũng nhìn nhận, đúng là có chuyện dữ liệu trên sách giáo khoa rất cũ. Nhưng ông thông tin thêm là bộ sách giáo khoa mới đang được biên soạn theo sự đổi mới của chương trình. “Được sự đồng ý của Chính phủ về một khung chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, TP.HCM được Bộ GD-ĐT đồng ý và đang Biên soạn bộ sách giáo khoa theo hướng ứng dụng nhiều, liên môn, tích hợp các môn để các em học tập thoải mái và giảm tải, dự kiến năm 2018 thì sẽ có sách cho cấp học ở tiểu học và lớp 6, lớp 10”, ông Sơn nói.

Về xây dựng hồ bơi trong nhà trường, ông Sơn báo một tin mừng là Chính phủ đã có nghị quyết có thể cởi trói vấn đề này bằng việc vận dụng xã hội hóa để phát triển thể thao trong nhà trường. Trước đây có nhiều lí do khách quan khiến chưa có hồ bơi như khuôn viên trường hẹp và đặc biệt là vấn đề phải có kinh phí bảo trì, vận hành, có người phục vụ… nhưng có cơ chế xã hội hóa trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp. Sau khi có được cơ chế mới này thì Sở GD đã chỉ đạo các trường học ở quận huyện nếu có đủ điều kiện để xây dựng hồ bơi có thể mở cửa thêm cho khách bên ngoài để có đủ kinh phí hoạt động nhưng cái chính vẫn là phục vụ học sinh của mình.

Đối với việc xe đưa đón học sinh, ông Sơn cho biết thành phố đã làm nhiều năm nay nhưng trên cơ sở đầu năm các trường họp với phụ huynh để xem nhu cầu. Căn cứ vào đó thì trường mới có thể tổ chức xe đưa đón. Các em đã phát biểu thì với địa chỉ cụ thể thì Sở sẽ làm việc với nhà trường, phòng giáo dục để họp phụ huynh học sinh lại để lắng nghe nhu cầu, nếu có học sinh đăng ký thì mới tổ chức đưa đón.

Sau khi nghe ông Sơn trả lời học sinh, Bí thư Đinh La Thăng quay sang hỏi “Nghe thầy Sơn trả lời các cháu đã hài lòng chưa?” Thầy Sơn nói có chuyện quá tải thì sẽ giảm tải, và năm sau sẽ giảm tải bao nhiêu? Còn chuyện xe buýt, học sinh phản ánh như thế thì ngành giáo dục phải đi xem có đúng là có việc nhồi nhét không, thái độ không tốt không… chứ bắt các cháu đi phản ảnh thì sao được. Trong việc xây hồ bơi, phải có thống kê trên 1,4 triệu học sinh thì có bao nhiêu cháu đủ điều kiện học bơi rồi, còn lại bao nhiêu cháu, ở đâu, kế hoạch năm nay sẽ có thêm bao nhiêu cháu học bơi được… Đồng ý xã hội hóa thì phải có lộ trình nhưng phải có tiêu chí đưa ra chứ không thể năm nào cũng hứa.

Ông Thăng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị anh Sơn trả lời cụ thể hơn. Các cháu nghe và vỗ tay chắc chỉ ngoại giao chứ chắc là chưa hài lòng được. Ngay như vấn đề xe buýt như các cháu ý kiến thì có giải quyết được không, phải kiểm tra và trả lời các cháu. Không thể bắt các cháu đi kiểm tra rồi báo cáo lại là tuyến nào rồi mới giải quyết”.

Ngoài ra, ông Thăng cũng nói với lãnh đạo các ban ngành rằng không phải chỉ gặp những buổi như thế này mới tiếp thu mà phải trân trọng chăm chú lắng nghe ý kiến của các cháu và coi đó là việc thường xuyên. Chúng ta phải nâng cao tinh thần làm việc gương mẫu “người lớn không thể trốn việc đi chơi rồi lại nhắc nhở các cháu không được trốn học”. Các cháu góp ý về thái độ của các chú cảnh sát giao thông (CSGT) nhưng không chỉ CSGT mà tất cả các sở khác cũng đều phải chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên.

Trước phản ánh của học sinh ông Thăng cho rằng những việc nào có thể làm mà ít tốn tiền thì phải làm ngay. Những gì đã hứa với các cháu hôm nay thì phải làm và năm sau trong buổi gặp gỡ thì phải báo cáo lại năm trước đã làm được những gì. Các cơ quan ban ngành cần tiếp tục đổi mới để có nhiều hoạt động thiết thực hơn cho các cháu tham gia vì các cháu chính là những người chủ tương lai của thành phố.