Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

“Thiên thời, địa lợi” phải chờ “nhân hòa”

NGỌC HÀ

TTO - Câu chuyện tự chủ đại học (ĐH) là vấn đề được xã hội quan tâm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ĐH Việt Nam nhưng bước đi lại khá chậm chạp.

Mới đây, trong hội nghị về tự chủ ĐH, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - chủ tịch hội đồng quản trị của trường ĐH tư đầu tiên ở VN- đã dùng hình ảnh về quản trị gia đình thông qua câu chuyện mẹ - con để nói vế vấn đề này.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính nói ví von: con gái đến tuổi trưởng thành, người mẹ muốn dạy con biết quán xuyến việc nhà nên giao phần chi tiêu cơm nước cho con.

Mẹ cho con quyết định mọi thứ, chỉ có yêu cầu duy nhất: dinh dưỡng đảm bảo cho cả già lẫn trẻ. Cũng việc ấy, nhưng người mẹ khác đòi hỏi khắt khe, can thiệp vào việc của con, chắc chắn con trẻ sẽ khó khăn.

Mẹ muốn con quán xuyến thì phải chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế áp đặt.

Từ đây, bà đặt vấn đề: “Chúng tôi làm theo luật, nhưng luật phải sát với thực tiễn, không duy ý chí “cho ít mà bắt làm nhiều”, không phản khoa học, không thể thiếu vắng sự hợp tác giữa các nhà làm luật, các cấp quản lý và các trường ĐH”.

Câu chuyện tự chủ ĐH đã được nhắc đến từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chỉ lấp ló trong trạng thái “chưa quen” ở các trường ĐH Việt Nam.

Dù đã có 14 trường ĐH được thí điểm hoạt động theo hướng tự chủ nhưng tự chủ ĐH vẫn còn xa vời vợi ở phía trước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận trong 14 trường này vẫn có trường chưa có hội đồng trường như luật định, số ít trường có hội đồng lại hoạt động hình thức, chưa trở thành cơ quan quyền lực cao nhất như mong muốn.

“Khi hội đồng trường chưa phát huy hết vai trò, khi chiến lược phát triển và hoạt động triển khai hằng ngày của trường không được giám sát từ một hội đồng trường đúng nghĩa, bộ chưa thể giao hết quyền tự chủ cho các trường. Bởi quyền lực tập trung trong tay hiệu trưởng, nếu có gì xã hội và sinh viên phải gánh hậu quả” - ông Ga nói.

Từ ý kiến của ông Ga cho thấy Bộ GD-ĐT không còn muốn “ôm”, ngược lại muốn các trường tự chủ nhưng cũng đối mặt với thực tế là nhiều trường chưa muốn tự chủ.

Như GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhận định đã qua giai đoạn phải thuyết phục nhà quản lý cho các trường tự chủ, giờ là làm sao thuyết phục các trường vào đường chạy.

Bởi tự chủ ĐH không chỉ là có thêm quyền mà còn phải kèm theo trách nhiệm.

Thế mới có chuyện một số trường hào hứng khi được cởi trói nhưng không ít trường ngần ngại.

Vì tự chủ là xa rời bầu sữa ngân sách, trường muốn tiếp tục được sống trong cơ chế quản lý tập trung để có được sự an nhàn nhưng ngược lại chất lượng đào tạo khó mà vươn lên được.

Tự chủ ĐH đã bước qua trang mới, có các yếu tố “thiên thời, địa lợi” nhưng còn lấn cấn ở “nhân hòa”.

Cơ chế, chính sách sẽ còn phải hoàn thiện nhưng điều quan trọng bây giờ là ông hiệu trưởng phải buông quyền hành tuyệt đối, phải điều hành trong sự giám sát của hội đồng trong mô hình ĐH tự chủ mới.

Phải xem tự chủ ĐH là mệnh lệnh, là thuộc tính tất nhiên một trường ĐH. Chỉ có thế tự chủ ĐH mới không còn là mục tiêu xa vời và đào tạo ĐH mới vào đường băng cất cánh.