Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Phần mềm quản lý mại dâm và nhà sư xơi tiết canh

Mi An

Đất Việt - Trong buổi họp báo chiều 1/12 tại Hà Nội, công an Hà Nội cho biết cơ quan này sắp có phần mềm để quản lý 2.000 cô gái bán hoa.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/12, Thượng tá Lê Huy – Phó Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) – Công an Hà Nội cho biết: “Căn cứ theo thống kê tại hồ sơ các gái mại dâm bị bắt và xử lý, phạt hành chính, toàn TP có khoảng 2.000 gái bán dâm, hoạt động mại dâm tại các địa bàn công cộng hoặc lét lút hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, hoặc “đứng đường”…

Đây là thông tin được báo chí dẫn lại rất nhiều sau cuộc họp. Đọc thì thấy rõ ràng một điều, Hà Nội đã rất công khai, trung thực trong việc công bố con số các cô gái bán hoa đang hoạt động trên địa bàn.

Điều này khác hẳn so với báo cáo của Phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vào cuối năm 2014 làm cả nước ngỡ ngàng khi cho biết Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) hoàn toàn không có hoạt động mại dâm.

Ấy thế nhưng trước đó, Hà Nội lại làm cả nước ngạc nhiên khi trong báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP về kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 nêu rõ: “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.

Ái chà. Như vậy là về mặt khẳng định có hay không có tệ nạn xã hội trên địa bàn, Hà Nội xứng đáng là tấm gương cho những địa phương như Hải Phòng, Nam Định khi thẳng thắn thừa nhận số lượng các cô gái bán hoa. Tuy nhiên, riêng chuyện khẳng định không có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, Hà Nội lại làm người dân cả nước ngạc nhiên.

Nhưng ngạc nhiên đến đâu thì cũng phải thông cảm một điều. Các cô gái bán hoa hoạt động tuy là trong bóng đêm nhưng lại lộ liễu lắm. Nào là chèo kéo, nào là mặc cả, nào là “đi dù” ở nhà hàng, khách sạn… ai cũng nhận ra. Còn các tham nhũng ư?, họ khéo léo kín đáo vô cùng, chẳng ai biết “ma ăn cỗ” ở đâu, làm sao mà phát hiện ra nổi?

Bởi thế tôi tin rằng, UBND TP Hà Nội có báo cáo khẳng định không có dấu hiệu tội phạm tham nhũng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vậy đừng có ai tưởng là cái báo cáo ấy sai nhé.

Chuyển sang một chuyện khác cũng đang gây sốc cho dư luận về… sự thành thật. Ấy là loạt phóng sự “Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh” đang đăng dài kỳ trên báo Lao động, quý bạn đọc nào rảnh rỗi cứ tìm đọc, sẽ thấy khối chuyện hay.

Tóm gọn lại là có hai sư, sư Mão và sư Thịnh đang trụ trì tại 2 ngôi chùa ở Hưng Yên, hai vị trụ trì này đúng là “kỳ phùng địch thủ” đã từng mang dao kiếm ra nói chuyện với nhau, cùng có sở thích uống rượu tây, ăn tiết canh, ăn thịt thà hầm bà lằng đủ thứ. Và điều ngạc nhiên là họ rất thành thật về những sở thích khác biệt với các nhà tu hành của mình, công khai đáp trả, “lật tẩy” nhau trên mặt báo.

Thật chẳng khác gì đoạn đối thoại của cụ lang Tỳ và cụ lang Phế trong tiểu thuyết “Số đỏ” nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Sư Mão bảo sư Thịnh nhậu say nói như cái đài ba chục, con người không có bản lĩnh, không có tư cách. Sư Thịnh bảo sư Mão chê cái nhà hai tầng mà ông xây trong khuôn viên chùa là do tầm nhận thức kém.

Để biện minh cho hành động ăn thịt, uống rượu của mình, sư Thịnh bảo: “Nếu mà chùa S. nó bảo là “chúng tôi ăn chay, nên chúng tôi hơn người khác” thì tôi sẽ gọi là trại bò S. chứ không phải trại người S. Vì Đức Phật còn không ăn chay, đúng không, thế chúng mày ăn chay, thì khác gì trâu bò, đúng không? Tôi có con bò, có bao giờ nó ăn thịt đâu, nó không những ăn chay, mà còn ăn chay từ kiếp nọ đến kiếp kia”.

Thành thật đến thế là cùng. Đây là lần đầu tiên có 2 vị trụ trì “dũng cảm” nói những lời thành thật về sở thích của mình công khai trên báo chí. Kể cũng là một điều đáng ngưỡng mộ.

Tại sao thưa quý bạn đọc? Bởi vì so với những ông lén lút ăn bẩn nhưng không dám nhận mình là ăn bẩn thì hai vị trụ trì thẳng thắn thừa nhận mình có sở thích uống rượu tây, nhắm tiết canh, ai là người có chí khí hơn ai?