Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Biệt phủ trăm tỉ: Có cần đẩy lên Thủ tướng?

THU TÂM

(PL)- Cuối tháng 11-2015 là thời hạn cuối để hộ ông Ngô Văn Quang (Giám đốc một công ty vàng ở Quảng Nam) phải tháo dỡ xong biệt phủ không phép ở rừng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) theo quyết định gia hạn trước đó của UBND TP Đà Nẵng.

Thế nhưng, thay vì là kết quả gỡ bỏ thì cái mà dư luận vừa tiếp nhận được lại là con số 0 vì Đà Nẵng còn phải chờ chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng.

Theo Luật Đất đai và Luật Xây dựng, UBND cấp tỉnh được toàn quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và hoạt động xây dựng xảy ra trên địa bàn. Điều này đã được UBND TP Đà Nẵng thực hiện rất bình thường đối với một biệt thự cũng xây “lụi” ở rừng Hải Vân của gia đình Thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) và công trình này đã được tháo dỡ xong từ lâu. Vậy tại sao biệt phủ của hộ ông Quang lại có cách đối xử khác hơn?

Lý do chủ yếu vẫn là số tiền khủng của gia chủ, cụ thể là biệt phủ trị giá đến hơn 100 tỉ đồng! Do tiếc thương nên địa phương cứ nhùng nhằng giữa “tha” với “trảm” khiến vụ việc bị lún, lầy đã… năm năm và có thể đã “chìm xuồng” nếu báo chí không phanh phui. Phía ông Quang thì tất nhiên không muốn đập bỏ vịn cớ “tài sản của cá nhân cũng là tài sản của xã hội” (!). Đầu tiên, ông xin nộp tiền “chuộc” để được tồn tại. Đến khi yêu cầu bị bác bỏ thì ông gửi đơn cầu cứu các cơ quan cấp trung ương để được chuyển đổi sang khu du lịch. Bộ TN&MT đã phải lập đoàn công tác đến Đà Nẵng, tiếp nữa Thanh tra Chính phủ cũng lập đoàn công tác đi kiểm tra thực tế. Việc ông Quang tiếp tục được phép “án binh bất động” để chờ ý kiến sau cùng của Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng xuất phát từ các lẽ này.

Hơn 100 tỉ đồng là khoản tiền cực lớn mà có rất nhiều người dù cả đời cật lực lao động cũng không thể nào mơ tới nhưng tới đây có thể thành đống gạch vụn! Nếu giờ nói xót của thì khi trước dù biết rõ mười mươi là trái phép, cớ sao vẫn cứ xây dựng rầm rộ bất chấp chính quyền nhiều lần yêu cầu đình chỉ thi công?

Có thể những người nhiều tiền, lắm quyền đã có niềm tin nội tâm về khả năng dàn xếp để mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Song dưới con mắt của số đông người dân, đối với những vi phạm pháp luật rành rành thì không có chuyện phải cân nhắc xử lý thế nào, lợi hại ra sao mà nên nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định để tránh tạo những tiền lệ xấu, khinh lờn pháp luật.

Cũng vì phải làm việc theo pháp luật mà trước đây dù từng chủ động tính giúp ông Quang về việc nộp tiền “chuộc” nhưng rồi chính quyền Đà Nẵng đã phải nói “không” (do châm chước này chỉ dành cho các công trình xây dựng trên đất hợp pháp và được phép xây dựng theo quy hoạch mà biệt phủ của ông Quang hoàn toàn không thỏa mãn điều kiện) để rồi sau đó ra quyết định buộc tháo dỡ. Vậy giờ đây khi đề nghị “chuyển đổi quy hoạch” - cốt để giữ nguyên biệt phủ trái phép - của cá nhân ông Quang không hề thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh (theo Điều 46 Luật Đất đai) thì Bộ TN&MT (đã kiểm tra nhưng chưa rõ ý kiến) và Thanh tra Chính phủ có tiếp tục nói “không”?

Từ vụ này cũng phải thấy thêm: Dẫu vi phạm và các quy định xử lý liên quan đã quá rõ nhưng nhiều nơi vẫn cứ đẩy việc lên Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ sẽ ôm việc như vẫn từng hay lần này sẽ dứt khoát từ chối để chấm dứt sự lạm dụng, buộc các địa phương phải tự quyết, tự chịu trách nhiệm?