Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Nhà báo và con c...

FB Trung Bảo

Thỉnh thoảng trong cuộc đời, bạn sẽ vô cùng khó chịu khi phải ngồi cùng bàn với những kẻ quá khác mình về giá trị sống. Thật may mắn, hôm trước tôi tránh được một cuộc rượu với một số kẻ như vậy.

Nghe bạn tôi về kể lại rằng tại bữa tiệc hôm ấy có một anh trọc phú phất lên nhờ đứng tên tài sản và chạy áp phe cho các quan chức, cùng hai nhà báo. Vừa bước vào bàn, anh trọc phú vội tuyên bố rất hùng hồn: "Tui nói thiệt, nhà báo đéo là con c... gì mà phải sợ". Người bạn của tôi, không phải là nhà báo, đứng dậy đi về. Hai nhà báo ngồi lại uống cho đến hết rượu.

Nếu như trước đây, người làm báo thường phải chịu áp lực từ phía các cơ quan được đảng giao cho quản lý báo chí, thì hôm nay các Tổng, Phó Tổng biên tập còn phải biết sống linh hoạt với những doanh nghiệp.

Việc xuất hiện báo mạng đem lại cho độc giả vô số điều lợi, một trong số đó là được tiếp cận thông tin với giá rẻ (hoàn toàn không miễn phí như nhiều người hiểu lầm). Nhưng, mặt hại của báo mạng cũng không ít. Nổi bật trong đó là sự dễ dãi với uy tín nghề báo và áp lực chi phí lớn trong khi nguồn thu chưa tương xứng.

Chưa bao giờ người làm báo lại dễ dãi với bản thân và cẩu thả với nghề nghiệp như vậy. Việc sửa đổi, thậm chí là gỡ bỏ bản tin trở nên vô cùng dễ dàng khiến áp lực của việc giữ gìn sự chính xác của báo chí không còn. Việc tờ Dầu Thời Báo hôm qua gỡ tin về luật sư Trần Vũ Hải là một ví dụ.

Tờ báo là một cỗ máy ngốn tiền không đáy và nguồn thu cho báo chí chủ yếu đến từ quảng cáo. Thông thường, doanh nghiệp quyết định quảng cáo trên một tờ báo vì các lý do sau: tờ báo có nhiều bạn đọc hoặc có bạn đọc là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp, tờ báo phát hành tại những khu vực mà doanh nghiệp muốn mở rộng việc kinh doanh.

Ở Việt Nam, như mọi lĩnh vực khác báo chí cũng có "đặc thù", quảng cáo đến với tờ báo còn có thêm lý do: mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà báo hoặc đơn giản hợp đồng quảng cáo chỉ là cách bịt miệng tờ báo. Tồi tệ nhất là để nhận được hợp đồng quảng cáo có những người làm báo tổ chức "đánh đấm", doanh nghiệp bị đánh chịu ký hợp đồng thì gỡ bài hoặc được thuê đánh đối thủ của bên đã ký hợp đồng quảng cáo.

Sự dễ dãi thiếu chuyên nghiệp trong nội dung. Sự hạ mình đến thấp hèn trong kinh doanh. Tất cả được anh trọc phú tôi nhắc ở trên đúc kết: "Nhà báo đéo là con c... gì mà phải sợ".

Làm báo khiến người ta phải sợ là đã sai với tinh thần nghề nghiệp, nhưng từ bị "sợ" người làm báo chuyển sang bị khinh đó là nhờ những thứ tinh thần đại loại như "tinh thần Dầu khí".

Cuối cùng, tôi nhắn với các anh trọc phú và bồi bút trên toàn cõi Việt Nam rằng, nhà báo đúng là không phải con cặt. Nhà báo là nhà báo.