TP - Lỗ Tấn nói “Hãy cứu lấy trẻ con”. Nguyễn Huy Thiệp: “Bây giờ chẳng ai cứu trẻ con nữa”. Còn nhà thơ Trần Nhuận Minh nói: “Hãy cứu cả người lớn”.
Hãy cứu lấy người lớn, vâng, còn nạn bạo hành trẻ em dồn dập gần đây, anh có quan tâm chút nào?
Đúng, hãy cứu lấy người lớn! Xin kể một chuyện vặt:
Có một lần, chẳng hiểu tôi đi đâu về nhà khuya, bỗng thấy cuối đường láo nháo ồn ào. Cũng do hiếu kỳ thôi, tôi chạy vội tới xem sao. Thì ra có đến 5 – 6 anh đang tập trung đấm đá một anh, tất cả đều trạc tuổi 18 đến 23 gì đó. Lại có khoảng hơn chục người đứng xung quanh xem như xem chọi gà. Lại có nhiều người đi qua và đi thẳng không dừng lại, coi như chẳng có chuyện gì. Anh bị đánh đạp, lăn quay ra đường, không kêu la, hay không thể kêu la được nữa, tôi không rõ.
Tôi xót ruột quá định nhảy vào can, thì may sao một người túm tay tôi mắng: “Đồ ngu! Muốn chết à?”. Tôi quay lại, người này hơn tuổi tôi. Tôi chắc là có lí do, nên bỏ ông ta chạy thẳng đến công an phường cách đấy khoảng một cây số báo cáo nhanh sự việc, vừa nói vừa thở, yêu cầu công an vào cuộc ngay.
Đồng chí công an đeo lon thiếu úy, đang trực, liền mời tôi vào phòng trong và với thái độ bình tĩnh không thể hơn được, lần lượt hỏi rất trân trọng: Tên gì? Xuất trình chứng minh thư. (Tôi nói xưa nay, tôi chả mang theo giấy tờ gì vì những giấy tờ ấy không dùng vào việc gì cả). Lại tiếp: Ở đâu? Đi đâu về? Vì sao gặp? Thấy thế nào... Tôi kêu lên: Yêu cầu đồng chí đến ngay, kẻo họ đánh chết người. Có thể anh ta đã chết rồi! Còn tôi, hỏi tôi những cái đó làm gì? Tôi là Trần Nhuận Minh, người ở đây. Hỏi lúc nào chả được...
Đồng chí ấy vẫn rất thong thả từ tốn, ghi một cách cẩn thận những câu trả lời của tôi, mời tôi ngồi nghỉ để an dưỡng tinh thần. Phải đến một tiếng đồng hồ sau đồng chí ấy mới mời tôi về và nói vui vẻ: Nếu để bác đi ngay, có điều gì sẽ không ai làm chứng.
Trong một cuộc họp báo với ngành công an (lúc đó tôi là đại diện báo Tiền Phong tại Quảng Ninh), có giám đốc và ba phó giám đốc dự cùng các trưởng phòng ban của sở, tôi đã thuật lại chuyện đó. “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Lúc ấy tôi nghĩ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du nhưng vì trách nhiệm với công việc, tôi đã kìm lại, không đọc.
Còn bạo hành trẻ con ư? Có nhiều kiểu lắm, chưa biết kiểu nào tàn bạo hơn kiểu nào. Tôi có bài thơ viết về một cháu bé đói quá ăn cắp cái bánh mì, mà người lớn vả vào miệng cháu đến rơi cả răng ra: “Cướp một miếng ăn mà bị xử đến mức này / Với trẻ con sao các người ác thế / Không ai vô can khi một em bé / Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì...” Để trẻ con đói trong khi có thể làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ! Cả một xã hội người lớn đầy tội ác, sao lại đè ra mà đánh trẻ con.
Theo anh vì đâu mà ngày càng đầy rẫy những kẻ “ác như con tê giác” sống nhơn nhơn? Nhà văn Ngô Phan Lưu viết: “Sống cõi đời, có những lúc phải nín thở, nhói tim vì cái ác diễn ra sờ sờ như thách thức mình. Xem ra có khá nhiều kẻ đã nỗ lực dùng trí tuệ quý nhất đời họ để phụng sự cái ác miệt mài”. Như những người gọi là cô giáo mầm non, bảo mẫu đó, ghét trẻ và nóng tính như vậy sao không chọn lấy cái nghề chọc tiết lợn chẳng hạn; hay nặc nô cửa phủ đòi nợ thuê; hay đàn em- hậu duệ Dung Hà, Phúc Bồ gì đó, chẳng phù hợp hơn sao.
Họ chọn nhầm nghề, đơn giản vậy thôi. Có lẽ vì tôi cũng “mắt nhắm mắt mở” đếm trên đầu ngón tay và rất vui, nếu tôi đếm nhầm, khi áng chừng rằng, số đang tươi cười hơn hớn chúng ta, tỉ lệ chọn nhầm nghề là rất cao. Và điều ấy xảy ra ở tất cả các nơi, tất cả các cấp. Cho nên đất nước mình nó mới ù lì như vậy, mà chả ai làm sao cả.
Chúng ta đã quá quen với cái ác, đến mức cái ác trở thành bình thường rồi. Có trường hợp nó còn được tắm trong ánh hào quang của báo chí ấy chứ. Nếu hỏi điều gì đáng sợ nhất trong cuộc sống hiện nay, thì đó là câu trả lời của tôi. Có người không làm điều ác là không chịu được. Bởi thế mà cái ác càng ngày càng phát triển, dù về danh nghĩa chính thức thì chúng ta luôn chống lại nó. Trong bài thơ Tự thuật tôi viết: “Viết được một câu thơ trung thực với Nhân Dân/Tôi đã đi qua bốn mươi năm bão táp /Cả xã hội diệt trừ cái Ác/ Cái Ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời... ”.
Đúng là cần cứu trẻ em, cứu những người lớn không thể tự vệ và cứu vớt linh hồn cả những kẻ đang tâm làm điều ác mà có khi không biết mình ác. Bài thơ “Dặn con” của anh, một bài học về lòng nhân hậu. Và anh vẫn có niềm tin vào con người?
“Dặn con”:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này...
Không bao giờ tôi mất niềm tin vào con người. Bản chất của con người là nhân ái. Sự nhân ái đã cứu cả thế giới. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội làm cho bất cứ người nào cũng bộc lộ được sự nhân ái của mình. Không muốn nhân ái cũng phải nhân ái. Tôi mong ngày đó đến mau hơn. Và kẻ ác dưới bất cứ hình thức nào, ở bất cứ cấp nào, cũng phải tự biết xấu hổ. Hiện nay nhiều người không còn biết xấu hổ nữa. May thay số đó không nhiều.
Anh là nhà thơ trưởng thành từ vùng mỏ, gắn bó cả cuộc đời với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong “Đối thoại văn chương” anh viết đại ý: “Tôi đã đi từ công nhân đến với nhân dân.Từ năm 2000 trở lại đây, trong tác phẩm của tôi, nhân dân đã được thay thế bằng con người”. Và như thế, anh viết về nhân dân cũng là viết về con người. Tôi nhớ nhà văn Pháp Stendhal nói: “Tôi yêu nhân dân tôi, tôi ghét kẻ nào chống lại họ. Nhưng nếu phải sống với họ sẽ là cực hình không phút nào nguôi”. Có khi nào anh gợn ý nghĩ na ná ?
Như vậy là trong ông ấy có hai nhân dân khác nhau. Một nhân dân ông ấy yêu và ai chống lại họ thì ông ấy ghét. Đó là một nhân dân với ý nghĩa tổng thể xã hội của nó. Và một nhân dân khác, nếu sống với họ sẽ là cực hình, đó là nhân dân với ý nghĩa là những người cụ thể trong các mối quan hệ cá nhân cụ thể.
Tôi thông cảm với ông ấy ở thời ấy, chứ tôi không có khi nào nghĩ như vậy. Bạn đọc tác phẩm của tôi sẽ thấy tôi rất yêu những người lao động. Tôi đã đến với họ và viết về họ bằng cả tấm lòng. Ví như khi họ làm cầu Bãi Cháy, cây cầu vĩ đại bậc nhất đất nước. Tôi lên cầu xem họ đổ bê tông theo kiểu đúc hẫng qua mặt nước nối hai bờ eo biển Bãi Cháy - Hồng Gai. Rồi tôi chui vào ruột cầu bắc cong trên eo biển, ruột cầu rỗng đến mức xe ô tô 14 chỗ có thể chạy trong đó rất thoải mái. Xem họ xiết những cái đinh ốc neo dây văng, đường kính phải đến hơn 1 mét. Tôi thấy họ vĩ đại quá.
Nhưng khoảng 2 giờ sáng, có lần đi qua một đầu cầu, tôi thấy họ cắp những bao xi măng chạy như những chiếc lá bay! Tôi không tin người xiết cái đinh ốc vĩ đại kia cũng là người cắp nách những bao xi măng nhỏ bé này. Tôi giữ chi tiết ấy trong bí mật, dù tôi làm báo Tiền Phong, có máy ảnh trong tay. Sau này Đài Truyền hình VN đưa lên màn ảnh những cái cột bê tông mà cốt lại làm bằng tre, thì khiếp thật. Xin đừng nghĩ lúc ấy các phóng viên “mắt nhắm mắt mở” đâu nhé. Cuộc sống nó là như thế đấy. Trái đất cũng còn nghiêng 23 độ để có bốn mùa: “Bên này câu thơ tuyết rơi/ Bên kia câu thơ nắng gắt?/ Ô chữ nào cũng có gió heo may...” ( thơ TNM).
Có một ông bất đồ nổi tiếng anh có biết, gọi là nhà thơ Đăng Hạ, đứng tên Chủ tịch Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Nghệ thuật VN chủ soái của mấy chục câu lạc bộ con ở tỉnh, in thơ và ban phát bằng khen cho bất cứ ai nộp tiền. Nhiều cụ hăng hái tham gia, con cháu cho tiền dưỡng già và tiêu vặt thì “ki cóp cho cọp Đăng Hạ xơi”, đặng có ít quyển cất trong nhà ai đến đem ra khoe. Thế là, không chỉ trẻ con mà người già giờ cũng quá hiếm niềm vui?
Xã hội có thể có nhiều niềm vui, trong khi đó con người với tư cách là một cá nhân, lại rất ít niềm vui. Chúng ta ít quan tâm đến cá nhân. Thì ra giải phóng đất nước còn dễ hơn giải phóng con người. Loại trừ cái sự lừa đảo và bịp bợm của “tập đoàn bịp thơ Xuyên Việt” này, việc in thơ và “khoe thơ” của các cụ già lại là điều đáng mừng. Đó là biểu hiện của một xã hội đã biết trọng văn hóa, quý giá trị tinh thần. Một ông bạn già cựu chiến binh của tôi, sắm sanh củi quế gạo châu để in một tập thơ. Sắp chết, ông dặn vợ: Đưa tất cả huân huy chương lên bàn thờ, còn bỏ tập thơ này vào quan tài cho ông. Thì cảm động lắm chứ.
Tuổi già, có thơ là có bạn để giãi bày. Nó là nguồn động viên an ủi sẻ chia sau những thăng trầm ở cõi đời, làm vơi bớt nỗi bực dọc, điều không hài lòng đầy rẫy trong xã hội, ngổn ngang trong lòng mình. Bớt đi không ít phiền muộn về đàn con lũ cháu. Nhưng ai lợi dụng cái đó để thu tiền vô tội vạ thì phải lên án. Nó có cái gì tương tự như một tội ác.