(TBKTSG) - Ra trường, mỗi đứa đi một nẻo. Tôi nhận công tác nơi xa, còn hắn được giữ lại trường. Bố hắn, cán bộ cấp cao ở tỉnh. Học bình thường nhưng được cái tính tình vui vẻ, hòa đồng, bạn bè trong lớp nhờ việc gì hắn chẳng nề hà.
Hắn có sở thích cũng lạ, những đêm lớp trực tại trường, một - hai giờ sáng, hắn rủ tôi lên ga (tàu hỏa), gọi mấy cái kẹo lạc và ấm chè. Tôi không thích nhưng nhìn hắn nhâm nhi... chè chén rồi trầm ngâm kể về những ngày còn nhỏ ở quê, giọng Bắc của hắn dễ nghe, dần cuốn hút tôi. Lúc lên trường nhận quyết định phân công, gặp hắn để tạm biệt, tôi hỏi: “Ở lại trường làm gì?”, hắn trả lời gỏn lọn: “Chẳng quan tâm”.
Thấm thoắt, vậy mà hơn 20 năm..., tôi và hắn giờ công việc, gia đình, con cái đều đủ đầy, căn bản. Hôm rồi họp lớp gặp lại, tàn tiệc hắn mời tôi về nhà chơi. Vẫn kẹo lạc và ấm chè nóng, vẫn giọng Bắc âm ấm, chỉ có khác là không ngồi ở nhà ga mà trong phòng khách nhà hắn. Tài liệu ngập cả phòng, hắn bảo đang làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm phó giáo sư. Tôi hỏi hắn: “Khó lắm không?”. Lại... nhấp “chén chè”, hắn thong thả: “Chuyên môn thì vẫn thế, vấn đề là biết quan hệ”. Hắn kể, ra các hội đồng xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tại đây, được hay hỏng quyết định nhiều ở cách biết xử sự với những thành viên trong hội đồng. Đã có vị, chuyên môn tốt lắm nhưng do không biết quan hệ, vậy là hai ba bận ra hội đồng đều không được.
“Báo cáo bằng tiếng Anh thì sao?”, tôi băn khoăn. Hắn cho biết, tiếng Anh phải nhờ cô giáo dịch báo cáo khoa học rồi dạy phát âm luôn, mất hơn chục triệu. Ra hội đồng người ta hỏi thì sao? Câu hỏi sẽ được cho trước và nhờ cô giáo tiếng Anh chuẩn bị luôn. Muốn được vậy, phải đến nhà hoặc cơ quan của các vị trong hội đồng, cũng mất cho các vị ấy mấy chục triệu(?). Các vị đều vui vẻ nhận và hứa giúp. Ở đây, việc này đã thành lệ, chẳng có gì lạ. Lúc tạm biệt, tôi chúc hắn suôn sẻ.
Gần tháng sau, hắn điện thoại vui vẻ báo, hội đồng biểu quyết nhất trí 15/15. Vậy là xong một bước. Tôi quan tâm đến báo cáo của hắn bằng tiếng Anh, hắn ậm ừ... cũng tạm tạm. Hắn kể, có một thành viên trong hội đồng hỏi bằng tiếng Anh, chẳng nghe được. Người hỏi hỏi một đằng, hắn trả lời chung chung. Bởi trong hội đồng có nhiều vị đâu nghe được tiếng Anh.
Tôi hỏi: “Chúc mừng phó giáo sư được chưa?”. Hắn bảo chưa, còn một hội đồng cao hơn và sau đó về lại đơn vị mình công tác, bỏ phiếu đề nghị công nhận phó giáo sư nữa. Tại đây, hết thảy giảng viên, nhân viên trong khoa đều tham gia bỏ phiếu. Khoa đang “đấu đá”, hắn thuộc phe thiểu số nên đang tìm cách đối phó. Hắn than nếu ngồi yên, chắc chỉ được mấy phiếu, bọn đó (chỉ phe còn lại) sẽ cho hắn rớt chắc!. “Có cách nào khác không?” tôi thắc mắc. “Có chứ, tao dạy nhiều nơi, có dạy ở viện X nên nhờ ở đó làm hồ sơ đề nghị công nhận”, hắn thẳng thắn, “ba chục, nhưng để họ làm nhanh tao sẽ bỏ luôn năm chục”. Hắn cho biết đã làm hồ sơ và đưa rồi, nhanh thôi, đang cố trước ngày Nhà giáo Việt Nam là có quyết định công nhận.
Nghe tôi hỏi tiền đâu nhiều vậy, hắn giải thích, một ít là do đi dạy, ngồi các hội đồng cao học, nghiên cứu sinh... Cứ mỗi hội đồng, tùy nhiệm vụ (chủ tịch, thư ký, phản biện) cũng kiếm được vài ba triệu. Còn lại - vợ hắn một chủ doanh nghiệp có “số má” - tài trợ. “Xong phó giáo sư tao xin chuyển sang đơn vị khác, chứ ở đây “đánh nhau” quá, chịu không siết,” hắn tâm sự. Đi đâu? Hắn cười, cũng nhiều nơi, vợ bảo rồi, được việc thì một, hai tỉ! Hắn cho biết đang nhờ “cò”, cũng có vài nơi hẹn gặp, cũng có nơi đã nhận hồ sơ. Trường biết hắn xin bổ nhiệm phó giáo sư ở viện X, lãnh đạo trường gọi hắn lên tâm tình, động viên để hắn làm hồ sơ bổ nhiệm tại trường. Hắn im lặng và không làm. “Không tin được, giăng bẫy đấy!”, hắn kể, vẻ uất ức.
Hơn chục ngày sau, lên trang web của viện X thấy tên hắn trong danh sách được công nhận phó giáo sư, tôi gọi điện thoại chúc mừng, hắn dửng dưng: “Có gì đâu, mất hơn...trăm...”. Hắn bảo đang bận rồi cúp máy nhanh. Sáng nay, đài báo thời tiết nơi hắn ở trời trở rét, nơi tôi ở, trời âm u chuyển mưa, chuẩn bị mưa to đây, những cơn mưa cuối mùa. Tôi lẩm bẩm một mình, ừ thì chúc mừng... Phó giáo sư.