LĐO - Cửa Đại học càng rộng mở, cơ hội của đào tạo việc làm càng thu hẹp. Trong khi chính cơ chế chính sách tuyển dụng ưu tiên đại học đang gây thất vọng chán nản cho người học nghề cũng như gia đình họ- Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải, ĐBQH Hòa Bình phát biểu trong phiên QH thảo luận Luật giáo dục nghề nghiệp sáng nay 5.11.
Bà Hải kể lại câu chuyện thực tế mà bà đã tận mắt chứng kiến trong quá trình giám sát. Ấy là việc một trường X, quy mô kinh phí hàng năm chỉ 500 triệu đồng và nhu cầu quản lý sổ sách chỉ cần 1 kế toán trung cấp. Tuy nhiên, khi tuyển dụng vị trí này, đã có hàng chục đơn xin việc của hầu hết những người tốt nghiệp đại học. Việc một công việc chỉ cần trình độ kế toán trung cấp nhưng sử dụng trình độ đại học theo bà là "gây lãng phí lớn về đào tạo trong khi một người tốt nghiệp đại học chưa chắc đã làm việc tốt hơn người tốt nghiệp trung cấp".
Theo Phó Chủ nhiệm VPQH, chính khuynh hướng tuyển dụng nhân sự có trình độ cao hơn nhu cầu công việc, đặc biệt trong khối các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước vừa gây thất vọng, chán nản, lo lắng cho cả người học nghề và gia đình họ. Và đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Bà Hải kiến nghị Luật giáo dục nghề nghiệp cần có những quy định để tạo ra sự đông bộ giữa dạy nghề và tạo việc làm.
Nhắc lại kết quả của cuộc thi tay nghề Asean với chủ đề “Kỹ năng nghề - Giá trị đích thực của chúng ta”, cuộc thi mà Việt Nam đoạt giải nhất toàn đoàn với 15 huy chương vàng, trong khi Malaysia về nhì với 9 HCM, Indonesia 8 HCV, Singapore 4 và Thái Lan 3, bà Hải cho rằng: “Nguồn nhân lực của chúng ta rất có tiềm năng có thể so sánh với các nước trong khu vực”.
Tuy nhiên, trong khi luôn chiến thắng trong các cuộc thi tay nghề, nhưng theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thì Năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần, và chỉ bằng 2 phần 5 khi so sánh với người Thái Lan. Năng suất lao động, chất lượng lao động của người Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của người Việt Nam- bà nói, và vấn đề này rõ ràng có nguyên nhân từ chất lượng dạy nghề còn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khách quan, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.