(PetroTimes) - Tờ The Strait Times dẫn phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore sáng 7/11 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và tuyên bố của ông Tập Cận Bình "các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình”.
Điều này đã tự chứng minh với dư luận trong khu vực và thế giới rằng, những tuyên bố thiện chí tại Hà Nội hôm 5 và 6/11 của người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ là chót lưỡi đầu môi, không thực lòng và không đáng tin.
Đồng thời chứng tỏ, Trung Quốc chỉ muốn các nước hữu quan hành xử theo “luật chơi của Bắc Kinh”. Và điều này chỉ khiến tình hình tại Biển Đông thêm căng thẳng.
Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Và ông Tập Cận Bình đã chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và hữu nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Việc ra được tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc (dài hơn 3.000 chữ), nhân chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là thành công của 2 nước.
Trong tuyên bố chung có đề cập tới việc thực hiện tốt phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Và 2 bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; đồng thời nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung...
Còn trong bài "Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung - Việt" đăng trên tờ Nhân dân hôm 5/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng, Trung - Việt đã giải quyết vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị, đặt cơ sở vững chắc cho ổn định, an ninh và phát triển chung ở vùng biên giới hai nước.
Đồng thời tin tưởng, miễn là Trung - Việt tay trong tay cùng tiến lên, tăng cường hợp tác, tất sẽ mở ra tương lai tươi đẹp, thực hiện sự phát triển và phồn thịnh chung của 2 nước. Và khi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh, Trung - Việt núi sông liền một dải, như môi với răng, Trung - Việt là cộng đồng vận mệnh mang ý nghĩa chiến lược, và đã đề xuất 7 kiến nghị nhằm phát triển quan hệ song phương.
Và khi có bài phát biểu dài hơn 20 phút tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình còn nói, phải lấy chữ tín để làm bạn… Nhưng khi tới Singapore, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những tuyên bố khiến dư luận vô cùng bất bình.
Ngày 7/11, Asia One dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đang nỗ lực thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc ký COC càng sớm càng tốt. Đồng thời nhấn mạnh, quốc đảo này cũng như ASEAN không thể "nhắm mắt làm ngơ" trước tình trạng tranh chấp lãnh thổ, hàng hải tại Biển Đông hiện nay.
Và khi hội đàm với Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam và Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Tập Cận Bình đã đề xuất 4 điểm nhằm tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á.
Đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ sự phát triển của ASEAN, nhưng dư luận hoài nghi về những tuyên bố này.
Ngày 7/11, lãnh đạo đảng Dân Tiến đối lập ở Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã bày tỏ thất vọng về cuộc gặp lịch sử giữa ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình, đồng thời cam kết sẽ bù đắp “tổn thất” này thông qua các biện pháp dân chủ.
"Tôi tin rằng hầu hết người Đài Loan đều thất vọng như tôi bởi chúng ta đã hy vọng ông Mã Anh Cửu sẽ làm 3 điều cho nhân dân Đài Loan, là đảm bảo quyền lựa chọn của 23 triệu người Đài Loan; không đặt ra các điều kiện tiên quyết về chính trị trong mối quan hệ 2 bờ eo biển; giành được sự tôn trọng như nhau. Nhưng không có điều nào được thực hiện", bà Thái Anh Văn tuyên bố như vậy sau khi theo dõi cuộc gặp tại Singapore giữa ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình qua truyền hình.
Ông Tập Cận Bình và ông Mã Anh Cửu đã gặp nhau chiều 7/11 tại khách sạn Shangri-La, Singapore. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan trong 66 năm qua, kể từ khi hòn đảo này tách khỏi Đại lục năm 1949.
Khi được hỏi về việc liệu hai bên có đề cập đến việc di dời các tên lửa của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan hay không, ông Mã Anh Cửu cho biết, ông Tập Cận Bình khẳng định dàn tên lửa được triển khai không nhắm vào Đài Loan.
Ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình đã nhất trí duy trì "nguyên tắc một nước Trung Quốc", thừa nhận 2 bờ eo biển Đài Loan đều là bộ phận của Trung Quốc, bất chấp mỗi bên đều tuyên bố là chính quyền hợp pháp.
Đồng thời ủng hộ "nhận thức chung 1992" giữa Quốc dân đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc - chỉ có một nước Trung Quốc và mỗi bên có thể diễn giải điều này theo cách riêng. Khi nói với ông Mã Anh Cửu, ông Tập Cận Bình cho rằng, không thế lực nào có thể chia tách 2 bờ eo biển Đài Loan vì “chúng ta là một gia đình”.
***
Ngày 6/11, khi điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có trao đổi về vấn đề Biển Đông, đồng thời coi hành động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông đã gây tổn hại tới lòng tin lẫn nhau, kích động căng thẳng khu vực, Bắc Kinh quan ngại đối với vấn đề này.
Đồng thời yêu cầu Mỹ cần nhanh chóng trở lại con đường đúng đắn thông qua đối thoại, hiệp thương để quản lý, kiểm soát ổn thỏa bất đồng.