TTO - Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, TP.HCM đã day dứt đặt ra câu hỏi đó trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2015 và kế hoạch năm 2016 sáng 2-11.
Theo ông Hòa, chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài.
Chúng tra có trăn trở việc này không?
“Về nguồn nhân lực, tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác” - ông Hòa nhận xét.
Rồi ông đặt vấn đề: “Chúng ta có trăn trở việc này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?”
“Vì vậy, tôi kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo.
Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học”.
Đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giảm bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.
Cần tạo ra những động lực mới
Ông Hòa cho rằng trong năm 2015 có hai thành tựu nổi bật: một là bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5%, bảo đảm thu ngân sách là thành công lớn; hai là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đã ký kết TPP, tạo cơ hội để VN cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhận định cho cả giai đoạn, ông Hòa cho rằng “động lực tăng trưởng đến nay đã đạt mức bão hòa, các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới, trong đó đặc biệt là động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững”.
“Thứ hai là tôi quan tâm đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Theo diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của VN sếp thứ 56/140 là mức thấp so với các nước trong khu vực (Singapore thứ 2, Malaysia 18, Thái Lan 32, Indonesia 37)” - ông nói.
Vẫn theo ông Hòa, phân tích sâu các yếu tố hình thành nên chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, chúng ta thấy rằng VN cũng có những chỉ số được xếp hạng cao (ví dụ quy mô thị trường được xếp hạng 33, hiệu quả thị trường lao động ở mức trung bình khá là 52, trong khi đó chúng ta đạt mức thấp về thể chế là 85, về sự phát triển thị trường tài chính 84, giáo dục - khoa học thứ 95, trình độ công nghệ 92 và đặc biệt là độ tinh vi trong tổ chức và quản trị doanh nghiệp đứng thứ 100).
Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguồn lực phân bổ của chúng ta thời gian qua còn chưa hợp lý, hoặc là thủ tục phức tạp, chi phí để tiếp cận nguồn lực cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm cho giá thành không cạnh tranh được. Các lực lượng trong xã hội thiếu động lực kích thích, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn mang tính cầm chừng.
Cần 2 triệu doanh nghiệp
Đại biểu Hòa cho biết, cả nước có 800.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. VN chưa có những doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ thì tụt hậu, năng lực quản trị thì trình độ thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trong hội nhập.
“Về đột phá chiến lược nguồn lực, tôi thấy rằng chúng ta chưa đạt được như mong đợi. Tôi kiến nghị cần xã hội hóa trong việc phân bổ các nguồn lực để mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận nguồn lực một cách bình đẳng, dễ dàng và thuận lợi” - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hòa để huy động và phát huy tối đa động lực xã hội vào phát triển kinh tế, đồng thời giảm tải cho bộ máy nhà nước để bộ máy này không phải tập trung quản lý doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.
Tập trung cải cách thể chế để việc tiếp cận nguồn lực được thực hiện với thủ tục đơn giản và chi phí thấp nhất. Đặc biệt là chúng ta phải quan tâm xây dựng những thể chế mới phù hợp với yêu cầu của quá trình thực hiện các cam kết quốc tế (việc thực hiện các cam kết, đặc biệt là TPP đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về thể chế).
Có giải pháp phát triển mạnh mẽ lực lực doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Chúng ta phấn đấu 5 năm tới đưa lực lượng doanh nghiệp VN lên khoảng 2 triệu.
Có chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tập trung hỗ trợ, xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực quản trị hiện đại thuộc các thành phần kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vào các tập đoàn nhà nước.
Có những chính sách cụ thể, khả thi cao để thúc đẩy doanh nghiệp tập trung vào đổi mới công nghệ, đẩy nhanh áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.