Đất Việt - Theo quan điểm của chánh án Tòa quân sự trung ương, "đã đến lúc thay đổi quan niệm án hình sự, đụng một chút là giam người".
Bên lề buổi thảo luận về dự án Luật tổ chức điều tra hình sự và dự án Luật tạm giam tạm giữ và trong bối cảnh Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự..., trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa quân sự trung ương nói: “Đã đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm án hình sự, đụng một chút là giam người.
Chúng ta phải thực hiện quyền của người bị kết tội là quyền suy đoán vô tội. Cho nên biện pháp cưỡng chế trước khi phán quyết của tòa án chỉ phục vụ cho hoạt động tố tụng hiệu quả chứ đấy không phải là hình phạt”.
Theo Trung tướng, tạm giữ phải có căn cứ rõ ràng.
"Vấn đề là anh có tiếp tục phạm tội hay không, anh có cản trở điều tra, có mua chuộc nhân chứng, ép buộc nhân chứng hoặc hủy chứng cứ thì mới tạm giam.
Ở Việt Nam, một người chưa bị kết án nhưng bị tạm giam là cả hàng xóm, láng giềng đã bàn tán. Bố mà bị bắt lên đồn là hôm sau con cái đi học bị xa lánh, đồn ầm lên cả trường, các bạn đều biết. Tôi nghĩ không nên lạm dụng tạm giữ, tạm giam" - ông Độ nhấn mạnh.
Tranh luận sôi nổi về quyền im lặng
Trước đó, liên quan tới quyền im lặng quy định trong Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, các ĐBQH đã có nhiều tranh luận sôi nổi.
Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 27/5, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Công an, đồng tình một nửa quy định này.
Ông cho rằng: “Cần thiết để bị can, bị cáo tự do trình bày, từ đó cán bộ điều tra người ta mới khai thác những mâu thuẫn trong lời khai, đấu tranh với tội phạm.
Nhưng quy định không buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, nó làm khó khăn cho hoạt động điều tra”.
Ông Hiếu đề nghị sửa theo hướng “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội” và cho rằng như vậy là đáp ứng được yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.
Tuy nhiên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Quyền không khai báo các nước thừa nhận, còn mình lại hạ thấp, như thế là hạ thấp quyền của người dân VN xuống. Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì anh phải phấn đấu”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nhận định: “Dự thảo bộ luật lần này đưa ra nhiều quy định mới tưởng rằng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm, làm bó tay các cơ quan tố tụng, không phục vụ cho việc đấu tranh tội phạm.
Chúng ta quy định như là quyền im lặng của người phạm tội là không đúng. Khi im lặng là lúc chưa có luật sư. Còn im lặng, không khai là bất lợi.
Không buộc phải khai, phải nhận tội thế là ngầm hiểu là im mồm, không khai báo gì cả. Giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”.
Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Không nên nghĩ rằng Viện KSND tối cao xây dựng dự thảo này là dung túng tội phạm. Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng vì trình độ dân trí thế này chúng ta không nên cải cách.
Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là chúng ta có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không. Chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan thực thi pháp luật, trọng chứng chứ không trọng cung. Nhiều vụ vì coi thường chứng cứ nên mới dẫn đến oan sai”.