(PLO)- Theo Thẩm phán Trương Chí Trung (Chánh tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng), một số vụ án do thẩm phán TAND TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án về thủ tục. Điều này thể hiện trình độ, năng lực của một vài thẩm phán trung cấp không hơn gì trình độ, năng lực của thẩm phán sơ cấp.
Mới đây, TAND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về xét xử các loại án. Thẩm phán Trương Chí Trung cho biết năm 2015 Tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng thụ lý 242 vụ, đã giải quyết 217 vụ. Trong đó tòa dân sự bị tòa cấp trên hủy 11 vụ và sửa một vụ (hủy theo thủ tục giám đốc thẩm 11 vụ, hủy theo thủ tục phúc thẩm một vụ, sửa một vụ).
Theo đánh giá của Thẩm phán Trung, nguyên nhân dẫn đến những sai lầm thiếu sót dẫn đến án bị hủy, bị sửa là do khi giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự thẩm phán chưa nghiên cứu kỹ và vận dụng các quy định của pháp luật vào từng vụ án cụ thể để xử lý. Một số thẩm phán, kể cả thẩm phán cấp phúc thẩm nghiên cứu hồ sơ không kỹ, bỏ lọt chứng cứ, bỏ sót người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ phiến diện, chủ quan. Khả năng của thẩm phán hai cấp về việc tổng hợp, so sánh, đối chiếu các điều luật của BLDS với các luật liên quan trong quá trình vụ việc dân sự chưa cao. Từ đó dẫn đến tình trạng áp dụng các luật liên quan mâu thuẫn với BLDS hoặc mâu thuẫn với quan hệ pháp luật đang giải quyết.
Theo Thẩm phán Trung, trong quá trình giải quyết án, vẫn còn xảy ra trường hợp TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm, phúc thẩm bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án vì sai sót về mặt thủ tục.Theo Thẩm phán Trung, “điều này thể hiện trình độ, năng lực của một vài thẩm phán trung cấp không hơn gì trình độ, năng lực của thẩm phán sơ cấp”.