Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Chuyện về sự “sáng tạo kỳ quái”…

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Chắc chắn với sự sáng tạo này, sẽ khiến cho giờ học không chỉ hứng thú, kích thích sự học tập của các em mà còn là một ký ức đẹp, theo các em dọc cuộc đời này.

Có thể nói, tình thầy trò là một trong số những tình cảm thiêng liêng nhất. Nó không chỉ là ký ức tuổi thơ, là lòng biết ơn dạy dỗ mà trong đó còn là tình yêu thương mà thầy cô giáo dành cho các em học sinh. Thế nhưng tiếc thay gần đây, hình ảnh người thầy thiêng liêng ít nhiều bị hoen ố bởi hành động của một số người...

Cách đây không lâu, dư luận đã từng phẫn nộ bởi một cô giáo sử dụng hình phạt bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng ở Hải Phòng thì trước đó ít lâu, một cô giáo ở TP HCM đã “sáng tạo” ra một cách giảng dạy có lẽ là chưa từng có trên thế giới mà người viết bài này tạm gọi là phương pháp… “vô thanh giáo”.

Suốt 3 tháng trời, cô giáo này giữ thái độ im lặng với một lớp học của mình. Không chỉ không giảng bài, cô cùng không chuyện trò, giao tiếp.

Vậy nhưng mới đây nhất, tại một trung tâm dạy ngoại ngữ ở Hà Nội thì ngược lại, một giảng viên đã sáng tạo ra một phương pháp cũng… kỳ quái không kém mà người viết bài này tạm đặt là phương pháp… “té tát giáo”.

Có lẽ đến gần 10 phút, giảng viên này đã “té tát” vào mặt một học viên khá lớn tuổi với đủ các ngôn từ mà các bà hàng tôm, hàng cá giờ đây cũng không sử dụng, như “Có một hay 10 trung tâm cũng không thể dạy lợn thành người được" hoặc "mặt người nhưng óc lợn", "Đây là sân chơi của tao...".

Thật lòng, khi trực tiếp xem đoạn clip, người viết bài này đã rất “thán phục” bởi tại sao những ngôn từ vô văn hóa đó lại có thể xuất phát từ miệng một cô gái trẻ ở giữa Thủ đô Hà Nội vốn “ngàn năm văn hiến”.

Trên đây chỉ là ba trong số không ít những chuyện buồn của ngành giáo dục thời gian gần đây.

Tiếc thay, cái số “không ít” này nó lại che khuất, làm mờ đi nhiều, rất nhiều những tấm gương sáng tạo của thầy cô giáo mà câu chuyện về một cô giáo ở THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) được phóng viên Dân trí phản ánh là một ví dụ.

Để giảm bớt căng thằng và gây hứng thú cho học sinh của mình, cô giáo cô Nguyễn Thị Như Huyền đã sáng tạo ra cách viết lời phê rất hài hước, ngộ nghĩnh như “Sắp chạm đến đỉnh cao rồi con à, cố lên!" hay “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn trước khi hạ bút”. Một bài được chấm 9,3 điểm thì cô phê “Ôi, bảng cửu chương, mày đi đâu vậy?". Còn trên một bài được chấm 10 điểm thì cô phê rằng “Oh yeah! Hôm nay có đứa cười rách cả miệng”.

Ngoài ra còn rất nhiều lời phê khác như: "E hèm, làm cẩn thận hơn là ok rồi", "Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật, cố gắng vượt qua nha, cô tin con làm được”; “Chép nhầm đề. Hờn cả thế giới”...

Chắc chắn với sự sáng tạo này, sẽ khiến cho giờ học không chỉ hứng thú, kích thích sự học tập của các em mà còn là một ký ức đẹp, theo các em dọc cuộc đời này.