Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lại "dính" lùm xùm!

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

NLĐO - Khi bà Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai còn làm Giám đốc Sở Công nghiệp, đơn vị này thu tiền tỉ để làm hạ tầng nhưng đem gửi lấy lãi

Ngày 1-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Văn Hồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết đang làm rõ vụ người dân khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất (TP Biên Hòa) tố cáo Sở Công Thương dưới thời bà Phan Thị Mỹ Thanh (hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) làm giám đốc có nhiều sai phạm. Dự kiến ngày 10-9 sẽ có kết quả.

Hơn chục năm kêu cứu

Việc đang được UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai làm rõ là vụ hơn 100 hộ dân ở khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất tố cáo Sở Công Thương Đồng Nai thu tiền tỉ của dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng sau đó không thực hiện.

Cụ thể, bà Ninh Thị Lan, người đại diện cho hơn 100 hộ dân kêu cứu suốt hơn chục năm qua, đưa cho chúng tôi một xấp hồ sơ, bức xúc nói không thể tưởng tượng ra lý do nào mà người dân tại đây phải chịu khổ sở như vậy. Bà Lan cho biết cách đây 20 năm, các hộ dân nơi đây đã nộp tiền (với số tiền hàng tỉ đồng) cho Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) để được sống trong một khu dân cư có hạ tầng hoàn thiện với đầy đủ các hạng mục đường, điện, nước, cây xanh… nhưng bằng ấy thời gian trôi qua nơi đây vẫn như thời… trung cổ! "Chúng tôi mua các lô đất theo dạng đã được quy hoạch, sau đó xây nhà rồi phải sống trong cảnh không điện, không nước, không hệ thống thoát nước, cây xanh. Chúng tôi phải tự thuê, mua để dùng, chứ không có điện, nước làm sao sống nổi…" - bà Lan kể tội Sở Công Thương.

Góp lời, bà Nguyễn Thị Bưởi, nhà bên cạnh, bực tức nói bà cầu cứu và chờ đợi chủ đầu tư hoàn thiện dự án từ lúc cháu gái mới sinh, nay cháu đã có gia đình rồi mà điện, đường, nước vào nhà vẫn không có. Làm ăn kiểu này là vô trách nhiệm, coi thường luật pháp!

Bà Lan, bà Bưởi bức xúc là đúng! Bởi, có đến khu tập thể này mới không thể tưởng tượng được cảnh giữa lòng TP Biên Hòa lại có một khu vực cơ sở hạ tầng tàn tạ đến vậy. Từ bên ngoài đi vào khu tập thể, con đường lở lói, xói mòn trơ đất đỏ trông đến thảm hại. Điện dân tự mua kéo tứ tung, hệ thống thoát nước dân bỏ tiền thuê xây dựng tạm bợ, hệ thống nước sạch cũng tương tự khiến toàn cảnh trông thật nhếch nhác.

Không đồng ý với kết luận thanh tra

Theo hồ sơ, năm 1996, Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh giao lập dự án đầu tư quy hoạch xây dựng hạ tầng khu dân cư cho CB-CNV Nhà máy Dệt Thống Nhất. Khu quy hoạch được tỉnh phê duyệt gần 1,6 ha đất với 121 lô đất nền cùng các hạng mục hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện.

Sau đó, sở đã thu của các hộ dân tổng số tiền 250 triệu đồng nhưng dự án vẫn không được thực hiện. Thời điểm này, Giám đốc Sở Công nghiệp là ông Phạm Văn Sáng (ông Sáng hiện là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai).

Đến năm 2003, bà Phan Thị Mỹ Thanh là giám đốc sở này, tiếp tục thu thêm của người dân với tổng số tiền 1,2 tỉ đồng. Tổng cộng 2 lần thu lên đến 1,4 tỉ đồng với lý do triển khai dự án để sớm hoàn thiện.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra về việc xây dựng khu nhà ở tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất vừa được UBND tỉnh Đồng Nai công bố thì trong sổ sách của sở ghi số tiền thuộc dự án chi ra đến thời điểm thanh tra là 742 triệu đồng, trong đó giai đoạn bà Thanh về làm giám đốc chi 680 triệu đồng.

Nhưng kiểm tra phát hiện thời điểm năm 2003, sở này không triển khai các bước tiếp theo của dự án mà đem 670 triệu đồng đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Trong vòng 3 năm, sở này rút cả gốc lẫn lãi tổng cộng 747 triệu đồng, trong khi theo tính toán cả gốc và lãi phải hơn 874 triệu đồng.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu sở này thu hồi toàn bộ tiền gốc và lãi giao cho các đơn vị tiếp tục triển khai hoàn thành sớm các hạng mục công trình của dự án. Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai phối hợp UBKT Tỉnh ủy căn cứ nội dung kết luận thanh tra để xử lý các sai phạm của những cá nhân, tổ chức liên quan.

"Kết quả thanh tra đã có, tuy nhiên, bước tiếp theo là trách nhiệm xử lý của UBKT Tỉnh ủy thì chưa cụ thể. Hiện các đơn vị, cá nhân liên quan đã phải làm giải trình nhiều lần nhưng vẫn chưa thuyết phục so với nội dung kết quả thanh tra nên đang phải giải trình lại. Khoảng ngày 10-9, có thể sẽ có kết quả kiểm tra kiểm điểm chính thức" - ông Huỳnh Văn Hồng cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà Ninh Thị Lan cho hay các hộ dân ở khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất không đồng ý với kết luận thanh tra về việc chỉ nêu các cá nhân liên quan sai phạm trong việc thực hiện dự án mà không đề cập rõ việc sử dụng tiền của người dân trong hơn 20 năm qua như thế nào. Như vậy là chưa đúng với bản chất vụ việc!
***

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương phát đi thông cáo cho biết cơ quan này đã quyết định kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh. Bởi bà Thanh vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng; ký văn bản sai thẩm quyền, không minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập...
***

Gửi đơn lên ông Tô Lâm

Bà Ninh Thị Lan cho biết trong ngày 1-9, các hộ dân tiếp tục gửi đơn tập thể lên Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tố cáo các sai phạm của cá nhân bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Theo đó, các hộ dân đề nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo kiểm tra giám sát các sai phạm "có tính hệ thống" và chủ đích của bà Thanh liên quan đến dự án này. Tập thể hộ dân đề nghị tiếp tục thẩm định rõ toàn bộ nguồn gốc đất của Nhà máy Dệt Thống Nhất quản lý sử dụng và đã giao cho Sở Công Thương; đồng thời giải quyết dứt điểm những tồn tại của dự án khu dân cư Nhà máy Dệt Thống Nhất.