Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Thuở học sinh Hà Nội ăn cơm trong rá, canh trong chậu

Trần Văn, cựu học sinh Trường Nội trú số 1 Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

VNN - Thời chiến điều kiện ăn, ở nghèo nàn vậy mà nhờ các thầy cô tâm huyết với nghề, yêu thương học trò hết mực nên chúng tôi đứa nào cũng học giỏi, chữ viết đẹp.

Tôi học lớp 1 tại Trường phổ thông cơ sở Lê Ngọc Hân, phố Lò Đúc, Hà Nội vào năm 1964. Năm tôi học lớp 2, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Khi đó, cả Hà Nội chuyển sang chế độ thời chiến, hầm trú ẩn được đào khắp nơi: trong công viên, dọc vỉa hè, trong vườn nhà, dưới gầm cầu thang. Cửa kính nhà nào cũng được dán giấy để hạn chế mảnh vỡ do sóng xung kích của bom. Trẻ con, người già sơ tán về vùng thôn quê. Ở lại thành phố chỉ còn những người làm việc trong công sở, nhà máy, dân quân tự vệ trực tiếp phục vụ chiến đấu.

Mấy anh em tôi được gửi học tại Trường Nội trú số 1 Hà Nội ngay dưới chân núi Thiên Thai bên bờ sông Đuống, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Trường có từ lớp 1 đến lớp 7, mỗi khối có 2 lớp A và B. Tôi học lớp A.

Bố tôi đi “B”, nghĩa là vào miền Nam trực tiếp chiến đấu. Nhà chỉ còn mẹ tôi chăm bà nội và nuôi 3 anh em chúng tôi, em út 3 tuổi, đứa thứ hai 6 tuổi, còn tôi, anh cả 8 tuổi. Hồi ấy điện thoại không có, thư từ cũng không, nên hai tuần một lần mẹ lại chiếc đạp xe “Thống nhất”, hay đi nhờ xe của ai đó, lên thăm chúng tôi. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi hay đi nhờ xe bác Đỗ Mười do ở gần nhà.

Lũ trẻ chúng tôi ở nhà dân, nằm giường gỗ kê sát nhau, lại bị “lạ nước” nên chẳng mấy chốc ghẻ lở khắp người. Đứa nào cũng bôi thuốc xanh methylen. Đứa nào nặng hơn thì bôi thuốc mỡ D.E.P có tác dụng diệt cái ghẻ vừa nhanh vừa rẻ. Thường thì Chủ nhật, đứa nào có bố mẹ lên thăm sẽ được đưa ra giếng nước tắm rửa, bôi thuốc ghẻ, cho ăn uống no bụng rồi được gửi lại trường. Đứa nào phụ huynh đi chiến đấu ở miền Nam thường được bạn bè chia sẻ miếng bánh, cái kẹo.

Tôi còn nhớ ông ngoại bạn Vũ Minh Sơn là cụ Diệu cũng tham gia trông nom chúng tôi. Ông cụ rất đẹp lão và thương yêu lũ trẻ chúng tôi. Lớp tôi hồi đó có bạn Vũ Minh, con bác Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ. Có lần vào buổi tối, bác Vũ Kỳ lên thăm Minh, đi xe com-măng-ca, bác mặc bộ quần áo nâu như nông dân trông ấn tượng lắm.

Tôi và mấy bạn được bố trí ở nhà ông Cố, thôn Bảo Tháp, ngay cạnh cái ao Dài, tên gọi như vậy vì nó dài thật, nơi bọn tôi bơi lội, tắm rửa. Trò chơi của lũ trẻ con chúng tôi là chơi bi, khăng, chọi dế, chọi cá, nặn đất sét, chơi súng phốc làm bằng tre,…

Lớp học cũng được thu xếp cả trong nhà dân. Lúc đó, điều kiện vật chất rất thiếu thốn, tất cả dựa vào nhân dân, thật đúng như lời Bác Hồ “vạn lần khó dân liệu cũng xong”. Chiến tranh ác liệt như vậy, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “đường chưa thông thì nhà không tiếc”, thì lấy đâu ra tiền để mà đầu tư, xây dựng trường lớp.

Thời chiến nên điều kiện ăn, ở nghèo nàn. Tôi còn nhớ cơm được chia vào cái rá, canh thì đựng trong chậu, mỗi đứa có một cái bát sắt tráng men Hải Phòng và cái thìa nhôm để ăn cơm. Vậy mà được các thầy cô vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với nghề và yêu thương học trò hết mực dạy bảo chu đáo nên đứa nào cũng học giỏi, chữ viết đẹp. Sau này hết bom đạn, về lại thành phố học, không đứa nào bị hụt hẫng về kiến thức, hầu hết đều đỗ đạt cao, vào đại học hay đi học nước ngoài bằng học bổng của nhà nước, cho dù chúng tôi cũng nghịch và mải chơi. Nhiều học sinh của Trường sau này rất năng động, làm việc chuyên nghiệp, thành đạt trong cuộc sống.

Nhóm học sinh trường nội trú thường là trẻ thành thị, quen với đèn điện, quạt máy, nước máy, nhưng nhờ được rèn rũa và bảo ban chu đáo nên chúng tôi dễ dàng hòa nhập với nông thôn “đèn dầu, quạt giấy, nước giếng khơi”. Chúng tôi cũng không cảm thấy khó khăn khi sống xa bố mẹ, xa nhà. Một phần nhờ các thầy cô giáo, bảo mẫu, bà con địa phương hết lòng giúp đỡ, một phần nhờ mải vui với đám bạn mới. Có lẽ nhờ sống nhiều năm trong môi trường nội trú, chúng tôi đã trưởng thành hơn, sống bản lĩnh hơn, có tính kỷ luật, tập thể, đồng đội hơn và nhất là học được cách ứng xử trong môi trường tập thể mà bây giờ ta hay nói là “trải nghiệm”.

Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ (1965-2017) trôi qua, những những kỷ niệm đẹp thuở học sinh Hà Nội “thời chiến” luôn trở lại với chúng tôi mỗi khi chúng tôi gặp mặt nhau nhân dịp khai giảng năm học mới.