Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Chính sách và bằng chứng

Nguyễn Quang Đồng

(TBKTSG) - Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua. Một trong những quan ngại được nêu lên, đồng thời thu hút nhiều ý kiến nhất, là tăng thuế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập và đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo. Tuy nhiên, quan sát kỹ các ý kiến, cả từ phía cung cấp thông tin về chính sách - tức Bộ Tài chính, lẫn từ giới chuyên gia phản biện chính sách, thấy có rất ít con số và bằng chứng rõ ràng về tác động chính sách đến người dân được đưa ra. Câu chuyện này, thêm một lần nữa chỉ ra hạn chế lớn trong hoạt động xây dựng chính sách ở Việt Nam: bằng chứng khoa học cho các đề xuất chính sách.

Cần biết rằng, trong các nhóm dân cư, thu nhập và chi tiêu của nhóm người giàu, người có thu nhập trung bình, và người nghèo là khác nhau. Các nhóm dân cư này có mức độ mua sắm các nhóm hàng hóa khác nhau là không như nhau. Do đó, về lý thuyết, tăng thuế với mức tăng khác nhau trong từng nhóm hàng hóa khác nhau đều ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không công bố con số cụ thể tính toán mức độ tác động đó.

Trong khi đó, từ phía phản biện chính sách, nhiều ý kiến từ giới làm chuyên môn phát biểu rằng thuế tăng sẽ tác động đến người nghèo nhiều hơn người giàu. Nhưng cụ thể tác động như thế nào? Mỗi nhóm dân cư thu nhập và chi tiêu sẽ tăng giảm bao nhiêu thì vẫn chưa thấy cơ quan nghiên cứu độc lập hay một chuyên gia nào đưa ra được những tính toán cụ thể.

Kết quả là, dù tranh luận rất sôi nổi, rốt cuộc, các ý kiến dừng lại ở mức “về lý thuyết” hơn là đưa ra được những lập luận ủng hộ hay phản đối dựa trên bằng chứng rõ ràng và thuyết phục. Trong khi đó, yêu cầu bắt buộc với cơ quan xây dựng chính sách là đưa ra được các căn cứ để ban hành, đồng thời bảo vệ được chính sách khi có ý kiến phản biện. Với những thông tin ít ỏi từ  Bộ Tài chính như hiện nay, thật khó để biết Bộ không làm nghiên cứu bài bản, có thu thập bằng chứng, có đánh giá tác động, hay là làm nhưng không hoặc chưa muốn công bố?

Cũng liên quan câu chuyện về thuế, song song với đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính còn đề xuất giảm các thuế khác, như thuế thu nhập cá nhân, nhưng hầu như không được chú ý. Một điểm điều chỉnh trong đó là nâng mức nộp thuế với các khoản thu nhập vãng lai lên 5 triệu đồng thay vì 2 triệu đồng như hiện nay. Cơ quan đề xuất chính sách lập luận rằng: tăng thuế GTGT, giảm thuế thu nhập là xu thế hợp lý nhiều quốc gia đang theo đuổi. Nhưng các bằng chứng cụ thể cho lập luận, rốt cuộc vẫn không được công bố: Liệu bộ có một kế hoạch tổng thể về cải cách các sắc thuế hay không? Những phương án và lộ trình tăng - giảm các sắc thuế khác nhau ra sao? Với mỗi phương án, tác động đến các nhóm dân cư, đến ngân sách, đến nền kinh tế như thế nào? Nếu không chứng tỏ được rằng: trong quá trình xây dựng chính sách, bộ đã có nghiên cứu kỹ lưỡng, có căn cứ, có bằng chứng cho lập luận của mình, cơ quan đề xuất chính sách này sẽ rất khó thuyết phục được người dân, thuyết phục được đại biểu Quốc hội - những người sẽ quyết định thông qua hay là không với các đề xuất tăng, giảm thuế.

Tuần rồi, những bức xúc liên quan đến các dự án BOT cũng thể hiện rõ nét sự yếu kém trong việc xây dựng chính sách khi không có bằng chứng khoa học. Quốc hội có đoàn giám sát các dự án BOT, nhưng chỉ là giám sát sự vụ chứ không kèm theo giám sát ở tầm mức cao hơn, ý nghĩa hơn: giám sát về chính sách. Giám sát các dự án BOT không chỉ đơn thuần là về vấn đề tham nhũng, vi phạm pháp luật. BOT là phần nổi của chính sách về hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. Sự manh mún và phân tán trong phát triển hạ tầng, việc dễ dàng xé lẻ hệ thống hạ tầng thành các dự án để trục lợi, bắt nguồn trước hết từ sự thiếu một tầm nhìn, định hướng, quy hoạch và chiến lược hợp lý dựa trên nghiên cứu chuyên sâu và bài bản.

Trong quản trị quốc gia hiện đại, không thể có một “Nhân dân”, một “nền kinh tế” theo nghĩa mơ hồ duy nhất. Xã hội bao hàm nhiều nhóm lợi ích khác nhau và cạnh tranh với nhau. “Nhân dân” có nhóm dân cư nghèo, nhóm thu nhập trung bình, nhóm giàu. Chính sách trong một nền quản trị hiện đại, phải tính toán được tác động khác nhau của nó đến từng nhóm lợi ích khác nhau. Tiến trình đó cũng là tiến trình thu thập các dữ liệu, bằng chứng, đưa ra các phân tích khoa học và từ đó hình thành các giải pháp chính sách khác nhau; tạo môi trường thông tin đầy đủ cho các nhóm dân cư khác nhau tranh luận và căn cứ cho các nhà chính trị lựa chọn một trong nhiều giải pháp chính sách.

Bằng chứng nghiên cứu cho xây dựng chính sách công ở Việt Nam, do đó, sẽ tiếp tục là khoảng trống lớn cần thiết phải lấp đầy.