Dân Trí - "Tôi chỉ hỏi anh lý do vì sao tiền giao gần 600 tỷ, anh lại không chuyển cho thành phố để thực hiện bồi thường GPMB, mà lại giao cho nhà thầu thi công? Giao cho nhà thầu thi công không có mặt bằng thi công kiểu gì?', Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến truy Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh này trong phiên chất vấn tại HĐND.
Sáng ngày 12/7, tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - ông Trịnh Văn Chiến đã “truy” gay gắt Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) về một số dự án chậm tiến độ và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Giám đốc Sở GTVT bị “truy” dự án chậm tiến độ
Sáng ngày 12/7, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 3. Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì.
Trong buổi họp sáng nay, HĐND tỉnh Thanh Hóa tập trung chất vấn các Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và Sở GTVT về những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm trong thời gian qua.
Đặc biệt, trong phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT, ông Trịnh Văn Chiến đã “truy” gay gắt nhiều vấn đề liên quan đến các dự án làm đường chậm tiến độ, ảnh hưởng chung đến dự án và đời sống của người dân.
Theo báo cáo của Sở GTVT, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Sở này được giao làm Chủ đầu 31 dự án vói Tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Hiện nay, còn 6 dự án đang thi công chậm tiến độ.
Ông Trịnh Văn Chiến đã chất vấn Giám đốc Sở GTVT xoay quanh 2 dự án chậm tiến độ là đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa và đường Na Tao - Pù Nhi, huyện Mường Lát.
Sau báo cáo của ông Trần Văn Hải - Giám đốc Sở GTVT, ông Chiến xin ý kiến của các đại biểu nhưng sau nhiều lần ông nêu vấn đề mà vẫn không có đại biểu nào có ý kiến. "Bình thường thì nhiều ý kiến lắm mà, không ai có ý kiến thì để tôi chất vất", ông Chiến nói.
Đối với ý kiến của ông Hải về dự án đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa khi còn 2 hộ chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng sắp phải cưỡng chế, ông Chiến hỏi: “Đã giải quyết thấu tình đạt lý chưa, chứ bây giờ người ta đang nêu vấn đề này, vấn đề nọ, mình chưa giải quyết được, làm thông được thì cưỡng chế làm sao?”.
Ông Hải giải thích về nguồn vốn đầu tư công trình này: “Đoạn này từ km0 đến...”, ông Chiến cắt lời: “Chả có đoạn nào, toàn bộ tuyến vành đai phía Tây thành phố là 1.800 tỷ, Bộ GTVT 1.000, ta bỏ ra 800 tỷ”.
“Trong hơn 500 tỷ đấy, tại sao không ghi cho thành phố đủ tiền GPMB, anh lại đem ghi cho nhà thầu thi công, ghi cho xây lắp? Anh nói cho HĐND nghe cái đó nào?", ông Chiến đặt câu hỏi.
Ông Hải giải thích: “Bây giờ vốn ta còn thiếu 143,28 tỷ, trong đó xây lắp thiếu gần 100 tỷ”. Ngay lập tức, ông Chiến nhắc nhở: “Tôi hỏi anh chưa trả lời câu hỏi của tôi”.
Ông Hải lại giải thích: “Quá trình triển khai thì hiện tại khối lượng thi công đã hoàn thành”.
Ông Chiến tiếp tục truy: “Khối lượng mấy tôi chưa cần quan tâm. Tôi chỉ hỏi anh lý do vì sao tiền giao gần 600 tỷ, anh lại không chuyển cho thành phố để thực hiện bồi thường GPMB, mà lại giao cho nhà thầu thi công? Giao cho nhà thầu thi công không có mặt bằng thi công kiểu gì? GPMB phải ưu tiên số một, cách bố trí vốn như thế có hợp lý không, như thế thì chết”.
“Tôi hỏi anh Hải khi nào anh có tiền trả cho thành phố để bồi thường GPMB, hay là chờ HĐND quyết nghị cho năm tài chính 2018?", ông Chiến lại đặt câu hỏi.
Ông Hải giải trình: “Khi triển khai thi công, tiền của mình là 798 tỷ, được giao trong từng giai đoạn một. Trong quá trình thi công có phân ra cho tiền xây lắp, tiền cho GPMB. Giai đoạn cuối, GPMB ở xã Quảng Thịnh thêm phần xây dựng khu tái định cư, tiền mà thiếu cho thành phố hơn 40 tỷ".
Ngay lập tức, ông Chiến thắc mắc: “Anh nói làm sao, phát sinh thêm khu tái định cư là không phải. Tái định cư đấy là thành phố và các huyện phải chủ động làm khu tái định cư, lấy nguồn vốn đâu là việc của anh, tỉnh không ghi tiền GPMB của dự án này cho tái định cư của những hộ bị ảnh hưởng ra đấy ở. Còn tiền mình bồi thường cho dân về đất, tài sản, vật kiến trúc trên đất được bao nhiêu thì dân phải trả tiền mà đến vị trí mới. Làm gì có chuyện ghi vốn cho tái định cư. Tóm lại là giao quá cho nhà thầu rồi, cách giao đấy thưa các đồng chí là chết rồi”.
“Chất vấn một số cái để làm rõ những dự án khác trên địa bàn tỉnh. Nếu không sâu sát, không nghiên cứu kỹ, không bao giờ trôi cả”, ông Chiến nói.
“Cứ chung chung thế thôi, cứ ngời ngời thế thôi!”
Tiếp tục giải đáp những vấn đề tồn tại liên quan đến dự án đường vành đai phía Tây, khi ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa mở lời: “Đường vành đai phía Tây có hai dự án, dự án BOT từ km...”, ngay lập tức ông Chiến cắt lời: “Không không, mấy cái đó tủn mủn, bây giờ anh nói vướng mắc đó như thế nào và cách giải quyết ra sao. Ai là chủ dự án, rồi tổng vốn đầu tư...?Anh nói bây giờ làm sao để giải quyết khó khăn, vướng mắc dự án này?”.
Sau những giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Chiến khẳng định: “Bây giờ kinh phí đấy là Hội đồng không có. Bây giờ anh làm thế nào thì làm, anh hứa với Hội đồng 30/8 xong, tôi cũng run, thấy không xong được”.
Ông Chiến cho rằng: “Làm thế bây giờ lấy đâu tiền trả cho thành phố cái hiện nay còn thiếu. Cho nên tôi nói, kể cả chỉ đạo của mình, thành phố cũng thế, ngành giao thông cũng thế là không có sâu sát gì cả. Cứ chung chung thế thôi, cứ ngời ngời thế thôi”.
Ông Chiến nói rõ, không chỉ dự án này mà bất cứ dự án nào, khi đụng đến đất công trình công cộng và người dân, đều phải quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, phải xem xét kỹ càng, thấu đáo và phải giải quyết sớm.