LĐO - “Hiện tượng Đinh La Thăng” chỉ ra rằng: Không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tháo gỡ” (Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - trao đổi trên Vietnamnet ngày 20.2.2016). Cũng vì thực tiễn đòi hỏi, những năm 70 của thế kỷ trước, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, vì lo dân đói, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã “xé rào” và phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của mình.
Từ hoài nghi đến...
So sánh giữa ông Thăng với cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, hai người ở hai thời điểm quá khác biệt là khá khập khễnh, nhưng chúng tôi ôn lại việc của ông Kim Ngọc ngày ấy chỉ nhằm làm rõ hơn: Những phát ngôn, hành động, cách triển khai thực hiện của “tư lệnh” Đinh La Thăng những ngày mới nhậm chức cho đến cuối nhiệm kỳ vẫn phải không ít lần “xé rào” từng khâu, từng khâu với lòng quả cảm. Và quan trọng là, kết quả rất tốt nên đem lại hiệu ứng rất mạnh với cả xã hội.
Phát biểu với báo giới sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Thăng đã từng nói: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.
Đây là phát ngôn rất ấn tượng với dư luận, nhưng với tôi lúc ấy, sự hoài nghi vẫn là chính. Bởi lẽ, là người theo dõi Quốc hội nhiều khóa, tôi cũng đã từng được nghe không ít những thành viên Chính phủ phát biểu hay và rất hay, nhưng không ít nội dung nó cứ mãi bay bay như gió thoảng. Nhưng với Đinh La Thăng, ông đã thể hiện rất rõ khí chất “tư lệnh” xuyên suốt cả thời gian làm bộ trưởng của mình.
Hành động “trảm tướng” đã thể hiện rõ ràng nhất yêu cầu, đòi hỏi của ông: Phải là một “tư lệnh” đúng nghĩa. Nói đúng ra, đây là hành động dũng cảm trong cơ chế dày đặc những quy trình. Bởi, việc “trảm” đó có thể ai cũng thấy là đúng, nhưng không đúng quy trình là bị khiếu kiện. Mà trong mớ bòng bong những nhóm lợi ích chằng chịt như hiện nay, chỉ ngồi trả lời chất vấn của các loại thanh-kiểm tra, báo giới thì không còn tâm trí nào để nghĩ chứ đừng nói là làm các việc tiếp theo.
Một “tư lệnh” đúng nghĩa
Do đó, thực tế cho thấy có mấy vị lãnh đạo dám “trảm” kiểu Đinh La Thăng? Việc “trảm” của ông Thăng không ít, nên việc liệt kê ra không biết bao giờ cho hết, chúng tôi chỉ nêu hai, ba vụ “trảm” có tính chất khác nhau đã cho thấy mục tiêu rất rõ của vị “tư lệnh” này.
Tháng 10.2011, khi thị sát xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “trảm” ngay tổng chỉ huy công trình vì để dự án chậm tiến độ gần 2 năm. Với hành động này, ngay thời điểm đó, ủng hộ ông Thăng rất nhiều nhưng cũng không ít ý kiến hoặc hồ nghi về động cơ hoặc lo lắng cho ông. Nhưng tiến độ công trình này sau đó đã nói tất cả.
Do đó, những quyết định “trảm” sau đó của ông Thăng thuận hơn rất nhiều. Thậm chí, chỉ với phát ngôn thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng cũng mất chức. Hoặc như Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đạt Tường, một người được ông Thăng đánh giá là “quá tốt, đạo đức trong sáng, phẩm chất tốt”, nhưng vẫn bị “trảm” chỉ vì để ngành trì trệ.
Gần đây nhất, việc “tư lệnh” Thăng yêu cầu HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì liên quan đến việc đề xuất mua 160 toa xe cũ (từ 12-20 năm) của Trung Quốc. Dù rằng, việc đề xuất này mới chỉ dừng ở bước khảo sát, nghiên cứu, nhưng dư luận vẫn thực sự “nóng” dù là những ngày sát tết cổ truyền dân tộc. Rất nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất, dư luận ủng hộ mạnh mẽ hành động “trảm” này, bởi ông Thăng đã đập nát ý tưởng tồi này ngay từ trong trứng nước. Và chính động thái này cũng khiến các TCty, không chỉ trong ngành giao thông, cũng phải cẩn thận hơn khi nghĩ đến việc mua sắm các thiết bị đã qua sử dụng. Do đó, với những phát ngôn của ông Thăng, thuộc cấp đều phải hiểu, đó là những mệnh lệnh: “Nếu biển báo còn thì người phải đi”; “Phải coi xe quá tải là “giặc””; “Nhiều lãnh đạo sở 7 - 7h30, tôi gọi mà vẫn đang ngủ, thế thì làm lãnh đạo làm gì?”…
Đặc biệt, trong buổi làm việc với Tổng thầu EPC dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) tháng 1.2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải gay gắt nói: “Không đánh đổi tính mạng người Việt để vay vốn”. Còn gì rõ ràng hơn phong cách, suy nghĩ và hành động của vị “tư lệnh” này.