TTO - Dự thảo sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự 2015 buộc luật sư phải tố giác tội phạm nếu phát hiện hành vi phạm tội của thân chủ liệu có mâu thuẫn với thiên chức và đạo đức nghề nghiệp của luật sư?
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 với quy định trong quá trình bảo vệ, bào chữa cho thân chủ, luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm nếu phát hiện thân chủ có hành vi phạm vào danh sách khoảng hơn 80 tội danh.
Quy định trên đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều làm "nóng" phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Luồng ý kiến bảo vệ dự luật cho rằng luật sư cũng là công dân thì công dân luật sư cũng có trách nhiệm bảo vệ công lý. Vì thế khi biết thông tin về tội phạm thì đương nhiên phải có trách nhiệm tố giác.
Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cho rằng quy định như trên đi ngược với thiên chức của luật sư là bảo vệ thân chủ.
"Luật sư là công dân và phải bảo vệ công lý"
Theo một kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM, luật đã quy định công dân có trách nhiệm tố giác tội phạm và luật sư cũng là một công dân nên đương nhiên phải có trách nhiệm tố giác tội phạm.
Thêm vào đó, người hành nghề luật sư còn có trách nhiệm bảo vệ công lý, nên nếu phát hiện hành vi phạm tội mà không tố giác kịp thời thì việc bảo vệ công lý chưa được thực thi.
Theo vị kiểm sát này, quy định của dự thảo luật sửa đổi BLHS không trái với Luật luật sư cũng như đạo đức luật sư. Luật sư hay bất kể ai cũng phải đề cao việc bảo vệ công lý. Bảo vệ công lý có nghĩa là người có tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi mình gây ra.
"Nếu cho rằng vì thiên chức của luật sư mà che giấu tội phạm thì cũng đồng nghĩa với việc công lý không được thực thi. Luật sư mà bảo vệ, bao che cho vi phạm của thân chủ mình vậy thì những nạn nhân của tội phạm đó thì sao? Đâu là công bằng, công lý cho họ?” - vị kiểm sát viên đặt vấn đề.
Theo bà Hà Thị Châu (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) - một người từng ký hợp đồng với luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình trong một vụ án, cho biết theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm chứng minh tội phạm là của các cơ quan tố tụng.
Luật sư chỉ nên thực hiện thiên chức của mình là bảo vệ, bào chữa cho thân chủ để thân chủ có thể được hưởng những lợi ích tốt nhất từ việc bỏ tiền thuê luật sư bảo vệ mình hoặc bào chữa cho mình.
“Nói cách khác, nếu luật sư tố thân chủ của mình thì chẳng khác nào thân chủ nuôi ong tay áo. Đừng biến luật sư thành những con ong trong tay áo của thân chủ”, bà Châu nói.
Chỉ buộc tố cáo tội xâm hại an ninh quốc gia
Nói về trách nhiệm tố cáo của luật sư khi biết thông tin về tội phạm trong quá trình bào chữa, luật sư Nguyễn Minh Tâm - tổng biên tập tạp chí Luật Sư Việt Nam - cho biết đã theo dõi rất kỹ phản ứng của dư luận cũng như giới luật sư khi dự thảo BLHS quy định điều khoản này.
Ông Tâm nói đồng tình với quan điểm rằng đối với những tội xâm hại an ninh quốc gia thì luật sư phải tố giác, còn lại những tội khác thì không nên. Bởi quy định như vậy trái với thiên chức luật sư là bảo vệ thân chủ.
"Nếu luật vẫn cứ quy định như vậy thì luật sư cũng dư bản lĩnh để tránh được các tội đó. Như vậy, quy định xong thì cũng không xử lý được nhưng nó lại dẫn đến một sự hiểu lầm rất tai hại và mất niềm tin của người dân đối với nghề nghiệp luật sư", luật sư Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho rằng thiên chức của luật sư là bảo vệ cho thân chủ của mình, luật pháp nước ngoài cũng chỉ quy định luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm đối với tội khủng bố và xâm hại an ninh quốc gia, chứ không phải mấy chục tội như trong dự thảo luật đang được lấy ý kiến.
Thiên chức của luật sư là bảo vệ thân chủ của mình, và luật sư là người nhận được sự tin tưởng và chia sẻ của thân chủ trong quá trình làm việc để bảo vệ họ tốt nhất.
Ở các nước khác, luật sư giỏi là luật sư bảo vệ được nhiều nhất cho thân chủ của mình, thậm chí được tòa tuyên trắng án. Việc luật buộc luật sư phải tố giác thân chủ sẽ làm dấy lên sự ngờ vực của người dân đối với các luật sư.
Ông Nguyễn Biên Thùy - chánh án TAND tỉnh Bến Tre - cũng cho rằng chức năng của luật sư là để bảo vệ thân chủ chứ không phải để tố cáo thân chủ. Thân chủ bỏ tiền và tin tưởng giao phó toàn bộ sự thật, bí mật, sự an nguy của bản thân mình cho luật sư để luật sư bảo vệ bào chữa.
Vì thế, việc buộc luật sư phải tố cáo thân chủ của mình thì không phù hợp với đạo đức con người nói chung chứ không chỉ là đạo đức luật sư được quy định trong luật.
Vậy nên, theo ông Thùy, đối với tội xâm hại an ninh quốc gia thì luật sư phải tố giác tội phạm, còn lại đối với những tội khác thì không nên.
“Chỉ cần quy định luật sư không được phép xóa dấu vết tội phạm hoặc giúp thân chủ có hành vi xóa dấu vết tội phạm. Nếu luật sư thực hiện việc giúp thân chủ bỏ trốn, xóa dấu vết tội phạm thì mới tùy từng trường hợp để xem xét xử lý theo quy định chung của luật", ông Thùy nói.
Theo khoản 3, điều 19 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS 2015:
“...Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389”.