LĐO - Con số 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu được Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) công bố ngày 22.5 mới đây, sau cuộc khảo sát kéo dài ba tháng, đã gây dư luận khá sốc với những người quan tâm đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng). Trước đó, hai tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế công bố lần lượt có khoảng 300, rồi 700 cá thể voọc sống tại bán đảo Sơn Trà.
Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu Green Việt, đồng thời là điều hành nhóm khảo sát voọc Sơn Trà cho biết:
Để có những kết quả này, chúng tôi đã sử dụng phương pháp Distance Sampling (phương pháp lấy mẫu khoảng cách). Đây là một phương pháp đã được các nhà nghiên cứu khoa học sử dụng phổ biến từ năm 1992 và hiện nay đã có 1.397 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thế giới sử dụng.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng phương pháp tính diện tích phân bố voọc đã được các chuyên gia quốc tế sử dụng trong nghiên cứu đánh giá hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và ở Lào.
TS Hoàng Minh Đức - Viện phó Viện Sinh thái học miền Nam cũng đã áp dụng các phương pháp này đối với vooc chà vá chân đen ở Bù Gia Mập ở Bình Phước và anh cũng là một trong những chuyên gia cố vấn khoa học của nghiên cứu này.
Để xác định được khoảng cách giữa các tuyến và cụm tuyến, chúng tôi dựa vào 2 kết quả nghiên cứu về vùng sống của voọc ở Sơn Trà của TS. Lary (2013) và nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn và cộng sự (2013) về diện tích vùng sống khoảng 21 – 47ha/ đàn và mỗi ngày 1 đàn voọc di chuyển trung bình 500m.
Tại sao các anh lại áp dụng phương pháp này ở bán đảo Sơn Trà?
- Đây là phương pháp hiện sử dụng phổ biến trên thế giới. Bán đảo Sơn Trà là địa điểm phù hợp để áp dụng phương pháp trên bởi với điều kiện bán đảo, việc thiết kế tuyến có thể giúp nhóm nghiên cứu đi từ đầu này qua đầu kia, bao phủ được toàn bộ diện tích bán đảo. Quần thể voọc ở đây cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phương pháp đặt ra.
Nhiều người băn khoăn về những con số voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà đã được công bố trước đây (hơn 200, 300 hay 700 cá thể), với số liệu hiện tại, anh có chia sẻ gì về điều này?
- Đó là số liệu dựa trên kết quả tính toán và được thực hiện chặt chẽ theo phương pháp như trên, đồng thời việc công bố thông tin về con số này là để mọi người hình dung về số lượng ước tính của loài voọc hiện nay tại Sơn Trà.
Nhiều người cho rằng, con số 1.335 là lớn hoặc có thể là nhỏ nhưng thật ra chúng ta chưa có bất kì một nghiên cứu nào sử dụng phương pháp này và khảo sát trên toàn bộ bán đảo để ước tính trữ lượng quần thể voọc. Kết quả này là kết quả đánh giá tổng thể lần đầu tiên nên sự so sánh sẽ là không phù hợp.
Trong các nghiên cứu ở Sơn Trà, cho đến nay chỉ có 2 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thế giới năm 2008 và năm 2010, khảo sát ở dọc tuyến đường mòn có sẵn và chỉ khảo sát sơ bộ một phần diện tích bán đảo.
Con số 200 hay 300 chỉ là số liệu voọc ở những nơi được khảo sát trong một phạm vi hẹp, chứ không phải toàn bộ bán đảo. Trong trường hợp này, chúng ta không thể so sánh các con số qua các năm công bố để nói lên sự tăng hay giảm khi mà phương pháp nghiên cứu và diện tích khu vực nghiên cứu khác nhau.
Riêng về con số 700 cá thể voọc thì chúng tôi không tìm thấy trên các bài báo khoa học quốc tế, đồng thời vì không biết được phương pháp nghiên cứu nên không so sánh được.
Qua nghiên cứu này, điều quan trọng nhất mà đề tài mang lại là gì? Là số lượng voọc hay là con số nào khác thưa anh?
- Điều mà chúng tôi muốn mọi người quan tâm không chỉ là 1.335 cá thể voọc mà là khu vực phân bố của voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà hiện nay đang tập trung tại khu vực phía Bắc bán đảo. Vấn đề là để bảo tồn loài này, chúng ta nên làm gì với môi trường sống của chúng?
Việc quan trọng nhất là nguy cơ giảm diện tích rừng và đe dọa trực tiếp từ các dự án phát triển được quy hoạch tại các khu vực có nhiều gia đình voọc sinh sống. Đó mới chính là điều chúng tôi hướng đến sau nghiên cứu này. Vì nếu số lượng vooc có nhiều đi nữa nhưng trong tương lai nếu không có phương pháp bảo tồn thì chúng ta sẽ chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với loài nữ hoàng linh trưởng này.