TTO - “Mắt thần Đông Dương”, “lá phổi xanh” của Đà Nẵng rồi sẽ ra sao khi theo thống kê, hiện trên toàn bán đảo này đang có đến 17 dự án đầu tư đã và sẽ triển khai trong nay mai? Ai trả lời câu hỏi này?
Những ngày qua, dư luận Đà Nẵng một lần nữa “dậy sóng” khi những hình ảnh về một góc núi Sơn Trà bị đào xới nham nhở được tung lên Facebook.
Ngay sau đó báo chí ồ ạt vào cuộc và rồi trước áp lực của dư luận, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu “đình chỉ ngay các khu vực xây dựng đến khi có các thủ tục, giấy phép”.
Hãy khoan nói chuyện đúng hay sai của dự án này, mà chúng ta hãy nói đến chuyện ai đã phát hiện vụ việc động trời “bạt núi, phá rừng” ồ ạt tại một nơi nằm ngay trong tầm mắt.
Xin thưa không ai cả, ngoài một người đi biển câu cá thấy cảnh đào xới mà xót xa đưa điện thoại lên ghi lại. Và rồi từ những bức ảnh đó mà hàng loạt sai phạm của nhà đầu tư đã bị các cơ quan chức năng sờ tới.
Vậy cả một hệ thống chính quyền từ cấp phường lên đến quận, thành phố ở đâu mà để chuyện tày đình đó xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật?
Câu hỏi đó đã được rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đặt ra, nhưng xem ra khó có câu trả lời hoàn hảo.
Vì sao lạ vậy? Có lẽ đây không phải là lần đầu, mà chỉ mới 10 ngày trước đó báo chí cũng đã đồng loạt phản ánh việc cả một quần thể 6 căn nhà có kiến trúc na ná giống nhà hàng Tàu xây dựng trái phép tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
Gần đây nhất là tổ hợp căn hộ và khách sạn Central Coast tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) xây đến tầng thứ 10, nhưng khi kiểm tra thì chủ đầu tư không hề có một mảnh giấy phép lận lưng.
Liệt kê 3 trong nhiều vụ việc sai phạm trong xây dựng như thế để thấy rằng bộ máy chính quyền Đà Nẵng ở một góc độ nào đó đã bị “tê liệt” trong giám sát, quản lý địa bàn.
Trở lại câu chuyện Sơn Trà. Vì sao hễ đụng đến Sơn Trà là dư luận lại “dậy sóng”? Đơn giản là bởi nói như ông Huỳnh Đức Thơ: rừng Sơn Trà là một khu vực mà người Đà Nẵng ai cũng quan tâm vì vừa phục vụ cùng lúc nhiều mục đích.
“Nhưng mấy anh đã cầm đèn chạy trước ôtô, nên phải dừng ngay tức khắc đến khi xong đánh giá tác động môi trường”.
Nhưng dù có đánh giá tác động môi trường đi nữa thì những ai quan tâm đến Sơn Trà cũng có chí ít một nỗi lo như ông giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường: “Chủ đầu tư chưa tính toán được hết những ô nhiễm và tác động đến sinh cảnh trong quá trình thi công”!
Và như vậy, Sơn Trà - ngôi nhà của voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng nằm trong sách đỏ được bảo vệ vô điều kiện - có thể sẽ bị uy hiếp. Sâu xa hơn: lá phổi xanh của người Đà Nẵng đang dần bị phá bỏ, thay vào đó là bêtông cốt thép.
Trong chiến tranh, núi Sơn Trà được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương”, còn trong thời bình Sơn Trà được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng. Vậy điều gì khiến Sơn Trà dần biến dạng?
Câu trả lời có lẽ không quá khó khi trên thực tế, chính quyền Đà Nẵng đang phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc giữ nguyên trạng biến Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, hoặc biến nơi đây thành một điểm nghỉ dưỡng cao cấp hái ra tiền của một vài tổ chức, cá nhân.
Theo thống kê, hiện trên toàn bán đảo này đang có đến 17 dự án đầu tư đã và sẽ triển khai trong nay mai. Vì vậy, người Đà Nẵng đang thật sự lo ngại hàng nghìn hecta rừng chạy quanh bán đảo này sẽ trở nên nham nhở, như dự án biệt thự đang làm “dậy sóng” những ngày qua.