Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Người Đà Nẵng “vỡ mộng” đường hoa Anh đào

NHIỆT BĂNG - HỮU LONG

LĐO - Việc Nhật Bản tặng 100 cây hoa Anh đào cho Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân địa phương này. Thế nhưng, giấc mơ đó khả năng vỡ tan vì kế hoạch của chính quyền thành phố Đà Nẵng, 100 cây hoa Anh đào này sẽ được trồng trong khuôn viên công viên Châu Á của một doanh nghiệp, vốn muốn vào đây phải mất tiền mua vé. Từ chuyện 100 cây hoa Anh đào này , người dân Đà Nẵng mới "té ngửa" khi biết cách đây mấy năm, Nhật Bản cũng đã tặng 400 cây Anh đào và đã được chính quyền thành phố "chỉ định" trồng... trong khu du lịch của một doanh nghiệp.

Trong văn bản Sở Ngoại vụ Đà Nẵng gửi Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật mới đây về việc báo cáo kế hoạch tổ chức Lễ hội Hoa Anh đào năm 2016 tại Đà Nẵng, nêu mục đích của lễ hội nhằm đến một sân chơi văn hóa Việt - Nhật đặc sắc; giới thiệu hình ảnh hoa Anh đào Nhật Bản đến với người dân thành phố; tạo ra hoạt động du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng, đặc biệt là du khách Nhật Bản.

Văn bản cho biết, Hiệp hội Giao lưu Anh đào Nhật Bản là đơn vị có mối quan hệ với thành phố Đà Nẵng. Trong lần hợp tác này, Hiệp hội tiếp tục trao tặng 100 cây hoa anh đào con, dự kiến trồng tại Công viên Châu Á (Asia Park, trên đường 2 tháng 9, quận Hải Châu) trong 2 đợt.

Cụ thể, đợt 1 vào ngày 23.2 (tiếp nhận 100 cây con) và đợt 2 vào ngày 8.4 (tiếp nhận 50 cành hoa được mang đến thành phố trên chuyến bay Narita-Đà Nẵng và được bố trí tại địa điểm tổ chức ngay trong đếm nhằm phục vụ cho khai mạc Lễ hội Hoa anh đào ngày 9.4.

Văn bản này còn nêu, trong các hoạt động Lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản, trong đó có lễ trồng cây với các nghi thức kết nối hợp tác Việt - Nhật. Hoa Anh đào được trưng bày trong khuôn viên lễ hội để quảng bá đến người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân thành phố và du khách tham gia hiểu biết rõ về văn hóa Nhật Bản, có ấn tượng tốt với đất nước và con người Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề xung quanh sự kiện này không được nói rõ, như hoa Anh đào được Nhật Bản tài trợ cho doanh nghiệp hay người dân Đà Nẵng; người dân được tham dự lễ hội miễn phí hay phải bỏ tiền túi mua vé; vì sao hoa Anh đào không thể trồng ở công viên công cộng hay các tuyến phố như các nước trên thế giới đang thực hiện mà phải trồng bên trong công viên Châu Á...

Trao đổi với Lao Động, ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Sở Ngoại vụ - nói: "Những nơi công cộng không có điều kiện chăm sóc, đặc biệt là những giống cây đặc thù như hoa anh đào. Công viên Châu Á hiện nay được xem là nơi vui chơi lý tưởng nhất của các du khách khi đến với Đà Nẵng vì tính chất đa dạng".

Ông Minh cho rằng, tại Công viên Châu Á, hiện có 9 khu vực vui chơi đại diện cho 9 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Từ đó, phía đại diện Công viên Châu Á trong quá trình tiếp tục hoàn thiện 9 khu này có đề xuất với Sở Ngoại vụ hỗ trợ giúp đỡ liên hệ để có được những sản phẩm đặc trưng của quốc gia đó.

Ông Minh cho biết, hiện tại Đà Nẵng vẫn đang trồng thử nghiệm vì hoa Anh đào có hơn 200 giống cây. Việc chọn Công viên Châu Á là nơi trồng thử nghiệm giống hoa Anh đào vì thông qua nơi này sẽ tăng thêm lượng du khách đến với Đà Nẵng.

"Về phía ngoại giao, đó là việc làm có lợi cho thành phố. Năm 2011, Sở Ngoại vụ đã giao cho khu du lịch Bà Nà trồng thử nghiệm 400 cây hoa Anh đào, vừa rồi chúng tôi khảo sát thì nắm được hơn 200 cây. Sở Ngoại vụ sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để từ đó đẩy mạnh việc phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh. Trong tháng 7 tới, chúng tôi sẽ khởi công công viên giao lưu văn hóa Việt-Nhật và đại diện phía Nhật cũng đã xác nhận tiếp tục tài trợ hơn 100 cây anh đào cho Đà Nẵng" - ông Minh nói.

“Nếu đã là lễ hội với mục đích quảng bá du lịch thì tôi nghĩ không nên thu phí của người dân vào tham quan làm gì. Vì đem những cây anh đào vào để một doanh nghiệp nào đó trồng thì người dân vào đó có thể phải trả phí. Chỉ tính đơn giản, một gia đình khoảng 5 người có mong muốn ngắm hoa anh đào tại Đà Nẵng thì phải bỏ tiền mua vé, số tiền đó khá lớn. Thay vào đó, tại sao mình không tổ chức giống như đường hoa Tết tại Đà Nẵng, khi đó không chỉ riêng người dân Đà Nẵng và cả khách du lịch cũng có cơ chiêm ngưỡng hoa Anh đào tại đây. Từ đó tạo một thương hiệu du lịch mới cho Đà Nẵng" - chị Tâm (quận Hải Châu) chia sẻ.

Theo chị Tâm, chị được biết trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã trồng cây hoa anh đào tại những nơi công cộng và thành công. "Vậy tại sao chúng ta không quy hoạch một tuyến đường nào đó để trồng hoa Anh đào” – chị Tâm băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, anh Duy Tuấn (nhân viên tư vấn thiết kế một doanh nghiệp tại Đà Nẵng) nêu ý kiến: "Nếu như hoa Anh đào, biểu tượng nổi tiếng của đất nước Nhật Bản, được một doanh nghiệp trồng thì tôi có cảm giác rằng việc tặng hoa của phía Nhật Bản lần này là cho riêng doanh nghiệp chứ người dân chúng tôi có được gì đâu".
***

P/s: Mời bà con đọc thêm bài >>> "Trồng hoa anh đào Nhật Bản trên đỉnh Bà Nà" để rộng đường suy luận!