Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Mang theo phiêu bạt bước chân

Lê Phú Cường

(TBKTSG) - Có hồi bạn rụt rè nhắn tin trên Facebook nhờ nhận xét mấy bài thơ. Mình thuộc nghiệp dư nên cũng chỉ dám có đôi lời chân tình với bạn. Rồi đùng một cái, bạn thông báo rằng đã hoàn thành việc xuất bản tập thơ. Đọc xong, mới thấy thơ hay thật!

Bạn lấy chồng Tây, sống ở châu Âu hơn mười năm có lẽ. Cũng nhờ mạng xã hội nên bắt liên lạc lại được với nhau. Trên bước đường xa xôi ấy, bạn mang theo mình một tình yêu tiếng Việt thiết tha và một tâm hồn nhạy cảm đầy nỗi nhớ mong khắc khoải. Bạn nói rằng, thế giới nghệ thuật đó, giờ đây bạn không thể thiếu, và nó vĩnh viễn tồn tại song song với cuộc sống đời thường của bạn, gồm công việc, gia đình và các mối quan hệ xung quanh. Ở đó, bạn lấy một tên gọi khác và thể hiện tất cả các cung bậc cảm xúc, khát khao hay viên mãn, hạnh phúc hay đớn đau, bỏng cháy và cũng đầy hoài vọng, dám yếu đuối và cũng dám mạnh mẽ. Bạn được là chính mình. Bạn làm tôi nhớ đã từng có một hoài nghi rằng thế giới nào là thực khi ta nằm mơ thấy mình hóa bướm?
Ờ thì, bỏ qua những rối rắm nhân sinh, mà nhờ đó bạn đã cho ra đời những vần thơ rất ngọt ngào niềm yêu và khát khao da diết: “Ta xa nhau từ dạo/Em biếng nhếch môi cười/Em quên tôi từ dạo/Tôi tan vào đơn côi...”.

Bạn làm tôi nhớ những câu chuyện tình cờ bắt gặp một chiếc đàn dân tộc của người Việt ở châu Âu hay châu Mỹ. Thì ra, trên bước đường phiêu bạt theo những biến cố của lịch sử, có người vẫn mang theo bên mình một tình yêu âm nhạc hoặc thơ ca, hoặc một loại hình nghệ thuật nào đó, dù đang đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận hay trong những hoàn cảnh, những môi trường hết sức khắc nghiệt, cô đơn. Đó là một mảng khuất nhưng rất mãnh liệt của những con người có đời sống tâm hồn phong phú. Nhà văn Sơn Nam, vốn ít làm thơ, nhưng trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau cũng đã xúc cảm viết về tâm tư của những người khẩn hoang xa xứ: “Trong khói sóng mênh mông/Có bóng người vô danh/Từ bên này sông Tiền/Qua bên kia sông Hậu/Mang theo chiếc độc huyền/Điệu thơ Lục Vân Tiên...”.

Những thứ tình cảm sâu thẳm, niềm hoài hương và những rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước những điều mới mẻ, những con người, những nền văn minh trên bước đường tuổi trẻ trở thành những cảm xúc bất tuyệt, đáng được tôn trọng và nâng niu, gửi gắm đến bạn bè.

Đi xa, bứt ra khỏi gia đình, quê xứ, những con người đó mới đáng được an ủi, vỗ về. Bởi họ thiếu nhiều thứ xung quanh, như khung trời tuổi thơ, như những ruột rà thân thuộc. Để được rắn rỏi và mạnh mẽ cũng là đáng khâm phục rồi, nhưng với bạn, còn làm đẹp thêm tâm hồn, và lan tỏa những rung cảm đến những người xung quanh, khi cơn gió chuyển mùa xao động, khi cánh hoa hé nụ báo xuân về hay rừng lá thu rơi, đợt tuyết tràn về phủ căn nhà mùa đông rét mướt. Những câu thơ ấy, run rẩy như sợi dây leo, réo rắt như tiếng tơ lòng ngân vọng. Tháng Ba về, bạn mang tặng cho người: “Mộc miên đỏ trải dài theo nỗi nhớ/Tháng ba nào mình bỡ ngỡ quen nhau... Nghe trái tim thắc thỏm nhớ em hoài/Sông nước lạ không hát bài quan họ” (*).

(*) Thơ Trần Hạ Vy