(Dân Việt) Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm đã đi qua, nhưng một tuần ở Đồng Tâm sẽ luôn còn được nhớ đến như những bài học quý giá cho nhiều người.
Cuộc khủng hoảng trị an ở xã Đồng Tâm đã kết thúc một cách ngoạn mục. Trái ngược hoàn toàn với không khí căng thẳng suốt một tuần qua, những cán bộ, chiến sỹ trở về bình yên, những vật cản trên đường làng được dọn dẹp nhanh chóng, người dân trở lại nhịp sống thông thường. Khủng hoảng đã đi qua, nhưng một tuần ở Đồng Tâm sẽ luôn còn được nhớ đến như những bài học quý giá cho nhiều người.
Sẽ không có việc người dân và chính quyền cơ sở phải đối đầu với nhau, mâu thuẫn với nhau nếu như việc quản lý đất đai của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan được thực hiện chặt chẽ và minh bạch. Vì buông lỏng quản lý, vì không minh bạch thông tin, lòng tin của người dân với các cấp chính quyền địa phương đã không còn. Việc mất lòng tin dẫn đến bất hợp tác, rồi hành động cực đoan luôn là một quá trình ngắn ngủi.
Cũng sẽ không có việc người dân dám bắt giữ hàng chục cảnh sát nếu như không có sự coi thường người dân, coi thường luật pháp của lực lượng thực thi pháp luật. Thói quen hành xử bất chấp quy tắc, nhầm lẫn quyền hạn với quyền lực luôn có thể trở thành ngòi nổ cho các cuộc bạo loạn. Nó tạo ra những hình ảnh phản cảm, dẫn đến sự bất phục của dân chúng, kích thích sự phản kháng của đám đông.
Cuộc khủng hoảng ở Đồng Tâm đã xảy ra, và câu chuyện có lúc tưởng chừng đi đến chỗ bế tắc. Đó là khi người dân lẫn các cơ quan công quyền cùng phản ứng quá đà, cùng đưa ra những phát ngôn cứng rắn, đẩy câu chuyện vào tình thế đối kháng mà chỉ một hành động, một phát ngôn bất cẩn thôi cũng có thể tạo ra hậu quả lớn và không có đường lùi.
Rất may, điều đó đã không xảy ra, nhờ những thông điệp về sự lắng nghe từ cả hai phía.
Không có yêu sách vô lối nào từ phía những người dân đang bắt giữ con tin. Họ chỉ có yêu cầu được đối thoại để minh bạch những bức xúc lâu nay.
Đáp lại, người đứng đầu thành phố - Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp cam kết đối thoại. Và khi ông Chủ tịch thành phố trực tiếp đến gặp dân Đồng Tâm, bình tĩnh lắng nghe và đưa ra những cam kết thấu tình đạt lý thì mọi việc bỗng trở nên đơn giản.
Những người bị giữ được thả, những chướng ngại vật trên đường làng được dọn dẹp sạch sẽ, không khí căng thẳng ở ngôi làng như chưa từng tồn tại.
Khủng hoảng Đồng Tâm đã kết thúc có hậu chỉ bằng đối thoại diễn ra trong hơn tiếng đồng hồ. Cái kết đó dường như quá dễ dàng đối với một sự kiện thu hút sự chú ý không chỉ đối với người dân cả nước, mà cả giới quan sát quốc tế. Song, điều gì sẽ xảy ra nếu như không có cuộc đối thoại đó?
Nếu như không có cuộc đối thoại hơn 2 tiếng đồng hồ giữa người đứng đầu thành phố với những người dân bức xúc quá đà, dù sự việc diễn ra theo bất cứ hướng nào cũng sẽ có tổn thương.
Tính mạng những cán bộ chiến sỹ bị giữ sẽ không thể mãi an toàn trong tay những người tuyệt vọng. Hình ảnh của nhà nước pháp quyền sẽ trở nên yếu ớt, hoặc khắt khe, niềm tin về một nhà nước của dân, do dân, và vì dân sẽ mất đi. Đó là những hậu quả có thể dễ dàng để nhìn thấy.
Những hậu quả u ám đó đã không xảy ra. Điều đó một lần nữa cho thấy, chừng nào mà chính quyền còn sẵn sàng đối thoại với nhân dân, chừng đó những sai lầm còn có thể sửa chữa.
Đối thoại, nếu như được thực hiện khi câu chuyện đất đai ở Đồng Tâm bắt đầu nhiều năm trước thì đã không có những quyết định khởi tố để những người nông dân hiền lành trở thành tội phạm.
Đối thoại có khó không? Nỗi bức xúc 10 năm của người dân Đồng Tâm đã chứng minh rằng đó là điều vô cùng khó khăn. Bởi khi sự nhập nhèm trong quản lý đất đai trở thành cơ hội của những cán bộ trục lợi từ vị trí của mình.
Đối thoại có khó không? Những hành động chấp pháp phản cảm của lực lượng chức năng dẫn đến sự phản kháng của người dân một tuần trước đó đã chứng minh đó là điều vô cùng khó khăn.
Đối thoại có khó không? Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chứng minh rằng điều đó không khó. Chỉ cần biết lắng nghe và sẵn sàng cam kết bằng sự công chính của mình.
Đối thoại, dễ dàng hay khó khăn, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự tường minh của chính sách, vào thái độ tôn trọng nhân dân, và niềm tin vào công lý.