LĐO - Những tranh cãi quanh việc Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen (TPHCM) - mặc áo thun, quần đùi giảng dạy trước sinh viên vẫn chưa “hạ nhiệt”. Trong cuộc trao đổi với PV Lao Động, Giáo sư Trương Nguyện Thành thẳng thắn cho rằng, những người chỉ trích ông đã vội vàng và họ đang có rào cản về định kiến.
Đừng vội vàng đánh giá, chỉ trích!
Những giờ qua, dư luận có ý kiến trái chiều về việc ông mặc quần đùi áo thun giảng bài cho sinh viên. Ông đón nhận phản ứng của dư luận ra sao?
- Tôi không phiền về điều đó lắm. Tôi nhấn mạnh là việc ăn mặc đó không phải là chuyện thường ngày. Tức là chỉ ở lớp học đó và chỉ ở thời điểm đó tôi mới mặc vậy, trong một thời gian rất ngắn - chừng 5 - 10 phút, trong một tiết học khuyến khích sinh viên phá bỏ định kiến để phát huy khả năng sáng tạo. Lúc bắt đầu bài giảng, tôi vẫn mặc áo vest, quần âu. Khi muốn lấy một ví dụ minh họa, tôi đi vào phía trong và sau đó trở ra với bộ đồ như mọi người đã nhìn thấy trong bức hình. Đó là cách vào bài giảng, tôi lấy mình làm ví dụ để minh họa cho vấn đề mình đang nói.
Tôi muốn nói với dư luận rằng, họ chỉ nhìn một bức hình, họ không thấy bối cảnh của bức hình đó nhưng rồi cứ tha hồ phán xét. Giống như tôi đưa cho các bạn một bức tranh, một người đang cầm súng bắn người kia, bạn vội vàng phán rằng người cầm cây súng là kẻ giết người và đáng bị tù tội. Nhưng biết đâu người cầm súng đang tự vệ thì sao. Dư luận đã quên việc đặt câu hỏi, bối cảnh bức hình đó là gì? Người làm điều đó là ai? Động cơ gì để người đó làm việc đó? Những ai xem xét kỹ bối cảnh trước khi đưa ra nhận xét thì người đó có đánh giá đúng đắn, còn ngược lại là người quá vội vàng.
Nhưng tại sao Giáo sư không lấy ví dụ khác để minh họa cho bài giảng, thay vì phá cách trang phục như vậy?
- Lần khác tôi sẽ có ví dụ khác, nếu lặp lại thì không còn là sáng tạo nữa. Vì khả năng sáng tạo của con người là không giới hạn (cười lớn), nhưng trong thời điểm đó tôi nghĩ ra cách này. Quần áo chỉ để che đi những bộ phận nhạy cảm. Bạn có thể bận bộ đồ đó ra đường, luật pháp không cấm. Còn nếu người ta cười, thì đó là định kiến xã hội. Mà định kiến thì tự con người đặt ra và có thể điều chỉnh được.
Phản ứng của sinh viên ra sao khi thấy thầy của mình bước ra với bộ đồ khác lạ đó?
- Lúc đầu tôi đưa ra một slide, với nhiều ví dụ minh họa cho sự sáng tạo. Tôi nói với sinh viên của mình: Chúng ta tự do mà, chúng ta muốn nghĩ gì cũng được, không ai ép buộc chúng ta nghĩ cái gì. Chẳng hạn tôi đưa cho bạn một quả trứng, tôi nói bạn không được ăn, không làm thực phẩm, thì bạn làm gì với quả trứng? Bạn phải nghĩ ra những gì người khác chưa bao giờ làm, còn những gì người khác làm rồi thì đừng hy vọng. Hay hằng ngày, chúng ta vận đồ bình thường, thì bây giờ có thể làm gì khác hơn không? Tôi để slide đó và nói với sinh viên của tôi, "chờ thầy một phút". Một phút sau, tôi bước ra, tôi mặc áo vest và quần đùi.
Sinh viên của tôi bắt đầu cười nói, rồi ồ lên. Các em không bao giờ nghĩ thầy làm như thế. Không ai nghĩ thầy lại mặc áo vest và cái quần đùi đó. Tôi nói với sinh viên: Tại sao các em lại cười? Thầy có làm gì phạm pháp đâu? Các em cười như thế là trong đầu các em đang có định kiến. Giờ tôi muốn nói lại điều đó với dư luận.
Còn bây giờ, các sinh viên của tôi đã quá hiểu con người tôi. Các em hiểu đó là cách thầy dạy, cách thầy truyền cảm hứng. Nhiều em cảm thấy điều đó là độc đáo.
Liệu sự sáng tạo có bị giới hạn bởi môi trường văn hóa, vì mỗi nơi mỗi khác. Việt Nam vẫn có câu “nhập gia tùy tục” thưa giáo sư!
- Thực sự ở xã hội nào cũng có định kiến riêng, ở mức độ nặng hay nhẹ mà thôi. Tùy vào văn hóa của xã hội đó. Nếu họ không đặt nặng vấn đề tôn giáo thì nhận định của họ cởi mở hơn. Nhưng nếu bạn vào Google sẽ thấy môi trường làm việc của họ hoàn toàn khác với những nơi khác. Không gò bó, làm cho nhân viên làm việc ở đây cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn. Họ cũng được tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa sự sáng tạo. Tôi không muốn so sánh, vì tôi đã chấp nhận trở về Việt Nam làm việc, tôi tôn trọng văn hóa nơi đây. Bình thường tôi vẫn mặc áo vest, quần âu đến trường và giảng dạy. Tôi nhấn mạnh lại rằng, chỉ trong tiết học đó, với chủ đề về sáng tạo tôi mới có những phá cách như vậy và trong thời gian rất ngắn.
Đừng tự trói buộc mình!
Từng nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài, Giáo sư đã bao giờ mặc như vậy lên lớp hay chưa? Phản ứng của sinh viên ra sao?
- Chuyện mặc quần đùi, áo thun lên lớp là thường tình ở nước ngoài. Sinh viên, giảng viên không quan trọng lắm về trang phục, mà chủ yếu chú tâm vào nội dung truyền đạt. Việc này cũng còn tùy vào văn hóa, tôn giáo ở mỗi nơi. Nhưng định kiến ra sao là do chính mình đặt ra mà thôi. Tôi vẫn nói với sinh viên của mình đừng tự trói buộc mình vào những định kiến, vì sáng tạo thì không có giới hạn và khuôn mẫu.
Giáo sư đánh giá thế nào về khả năng sáng tạo của sinh viên Việt Nam? Môi trường giáo dục trên thế giới và cách sinh viên tiếp thu những kiến thức của giáo sư có khác gì so với Việt Nam không?
- Giáo dục ở Việt Nam đang bị trói buộc quá nhiều vào hình thức, đặt nặng vào việc người học nhớ được bao nhiêu, chứ không phải là hiểu được bao nhiêu, nhất là ứng dụng của kiến thức. Vì lẽ đó đã dẫn đến một tai hại là giảng dạy nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Nếu cách đánh giá đặt nặng vào khả năng ứng dụng và giải quyết vấn đề là điểm chính của giáo dục, thì phương pháp giáo dục cũng sẽ khác. Tôi hy vọng rằng, thời gian tôi ở Đại học Hoa Sen, tôi sẽ thay đổi được phương pháp giáo dục truyền thống, giúp cho sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, phát triển hết các kỹ năng mà mình có thể.
Cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!