Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Hà Nội xây Đại lộ danh vọng: Nên chăng có ‘con đường ô danh’?

Bảo Trang

Người Đưa Tin - Rất nhiều ý kiến phản đối đề án xây dựng “con đường ghi danh” tại Hồ Gươm, Hà Nội. Tuy nhiên, đó cũng là ý tưởng khá hay nếu như…

Quả thật, ý tưởng xây dựng “con đường ghi danh” tại vỉa hè xung quanh Hồ Gươm là một ý tưởng lai căng khá tệ. Nhiều người cứ ngỡ rằng đó là việc làm nhằm tôn vinh văn hóa, tôn vinh những giá trị của những danh nhân, những người có đóng góp đáng kể cho sự thay đổi diện mạo của Hà Nội.

Nhưng, bên cạnh ánh sáng luôn luôn là bóng tối, bên cạnh tôn vinh, là sự chà đạp… Và bên cạnh những ý tưởng có động lực chính đáng luôn là những toan tính mang nặng mùi giấy bạc.

Một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nơi giao thoa, tụ họp của những đặc trưng văn hóa Thủ đô bị nhăm nhe biến thành nơi kinh doanh theo kiểu BOT, hay “lấy thu bù chi” bằng cách “tổ chức trông xe và kinh doanh dịch vụ”. Thậm chí, nó sẽ trở thành một hội chợ triển lãm, quảng bá “về sản phẩm đá tự nhiên của Việt Nam” (theo lời nhà đầu tư - một doanh nghiệp sản xuất đá tự nhiên).

Sự thiêng liêng của hai chữ “văn hóa” một chốc đã thay bằng lợi nhuận.

Chẳng những thế, đã là “văn hóa” thì phải có “đặc trưng”, phải giữ được nét riêng biệt của đối tượng. Việc ép một công trình bóng bẩy sặc mùi phương Tây vào một không gian trầm mặc, mang đậm màu thời gian của Hà Thành cũng giống như việc vừa nhâm nhi cốc cà phê Starbuck vừa “chén” bún đậu mắm tôm ngõ Hàng Khay vậy.

Nó không đơn thuần là sự “thiếu phù hợp” mà thậm chí, nó còn là một thảm họa văn hóa, thảm họa của sự “học đòi”.

Đấy, hầu hết những người phản đối ý tưởng xây dựng “đại lộ danh vọng” tại Hà Nội đều có suy nghĩ và tư duy như trên. Nhưng tôi, là người luôn đeo cặp kính màu hồng trước mắt nên tôi thấy ý tưởng trên là một ý tưởng tuyệt vời. Chỉ có điều, chúng ta nên thiên biến một chút cho phù hợp với thực trạng xã hội và văn hóa Việt Nam.

Chúng ta nên đổi tên dự án: “con đường ghi danh” thành “con đường ô danh”.

Theo số liệu từ website của Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở Hà Nội thì từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2016 đã có 58 tiến sĩ được bảo vệ thành công, vậy theo số liệu này thì trung bình 1 ngày, 1 giờ 15 phút, chỉ riêng Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở Hà Nội đã cống hiến cho xã hội một tiến sĩ.

Ngược lại với sự “nhân bản” tiến sĩ nhanh chóng thì theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2016 của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, chỉ có hai người đứng đầu các đơn vị có hành vi tham nhũng bị xử lí hình sự.

Diện tích đất thì chật, người có công thì nhiều, ghi sao xuể. Chi bằng chỉ ghi tên những người “có tội”, vừa tiết kiệm diện tích, lại vừa khiến người ta dễ dàng ghi nhớ những người “có công”: “Ở Hà Nội, ngoài những người này ra thì ai cũng là nhân tố giúp Hà Nội đẹp hơn hết.”

Vả lại, với đặc trưng ý thức nơi công cộng của người Việt (xả rác, khạc nhổ bừa bãi, chen lấn, xô đẩy…) thì việc làm “con đường ô danh” – ghi tên những kẻ sâu mọt, bòn rút của công, làm hại non sông, làm nghèo đất nước sẽ mang tính nhân văn và phù hợp với tư duy của người Việt hơn.

Bởi những danh nhân thực sự, họ xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp hơn là bã kẹo cao su hay đầu lọc thuốc lá.